Theo ông Phương, việc có những ý kiến trái chiều xung quanh dự án tổ hợp 10 sân golf cũng là lẽ thường tình. Bởi đây là một dự án có thể xem là mới và lạ, lại ra đời trong bối cảnh Chính phủ không khuyến khích và đang siết chặt việc phát triển sân golf. Tuy nhiên, nếu làm một hay hai sân thì rất khó cạnh tranh với các trung tâm du lịch trong nước và quốc tế. Trong lúc đó, Quảng Bình lại có một quỹ đất rộng lớn ven biển, lâu nay không thể khai thác cho phát triển kinh tế vì toàn cát trắng.
Xây dựng tổ hợp sân golf không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cải tạo được vùng cát vốn lâu nay là nỗi ám ảnh của người dân địa phương, “chang chang cồn cát” như là biểu tượng của sự khắc nghiệt, nghèo đói.
Nói về lo ngại ô nhiễm môi trường do tổ hợp sân golf gây ra, ông Phương cho rằng: Cái gì cũng có hai mặt của nó, nhưng chúng ta phải biết khắc chế để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Việc ô nhiễm môi trường do hóa chất, phân bón của sân golf chắc chắn là có nhưng không đến mức nghiêm trọng. Bởi Khu vực sân golf cách xa khu dân cư, còn phía biển thì đã có các resort che chắn.
Nếu nói về sự tương phản giàu nghèo khi xây dựng tổ hợp sân golf ở một địa phương còn khó khăn là cái nhìn ngắn hạn. Làm du lịch thì phải thu hút được càng nhiều khách chất lượng, càng nhiều tiền thì mới có hiệu quả cao. Ở các nước phát triển về du lịch họ đều phát triển rất nhiều sân golf. Vì có sân golf mới giữ chân được khách du lịch dài ngày. Việc xây dựng tổ hợp sân golf ở Quảng Bình không phải do ngân sách địa phương bỏ ra mà do nhà đầu tư. Dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập cao, địa phương thu được một lượng lớn ngân sách để đầu tư ngược trở lại cho người dân. Sự tương phản hay khoảng cách giàu nghèo sẽ dần được xích lại khi kinh tế địa phương phát triển.
ĐBQH Phạm Trường Dân: Tỉnh nhỏ thế, xây 10 sân golf làm gì?
Quan điểm của tôi, việc Quảng Bình quy hoạch xây 10 sân golf thì không nên. Sân golf cần phải có để thu hút đầu tư, nhưng chỉ nên xây dựng ở mức độ cho phép với một vài sân golf thôi, còn tới 10 sân như thế thì không nên. Tỉnh Quảng Nam quy mô như thế cũng chỉ xây dựng 1 sân golf. Tỉnh Quảng Bình nhỏ bé như vậy, di sản văn hóa như vậy mà xây 10 sân golf như thế thì lấy đất ở đâu xây? Việc xây sân golf làm sao phải tương quan với quy mô toàn quốc. Quảng Bình cần phải xem xét lại, xây dựng ở mức độ cho phép, sao cho phù hợp.
Mặt khác nếu có 10 sân golf thì việc khai thác sẽ không hiệu quả, vì với số lượng nhiều như thế thì tìm đâu ra người chơi? Trong khi đó, xây sân golf tốn rất nhiều đất, mặt khác việc trồng cỏ sân golf lại bằng hóa chất, ảnh hưởng tới vấn đề môi trường và chất lượng của đất.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: 10 sân golf, lấy đâu ra người chơi?
Xây sân golf mục đích là kêu gọi doanh nghiệp, thu hút đầu tư, mặt khác nguồn thu thuế cũng khá lớn. Song golf thường dành cho người có tiền chứ không phải ai cũng chơi được. Điều quan trọng nhất là lấy đất ở đâu làm 10 sân golf ? Qua báo chí, tôi được biết họ lấy từ đất ven biển, tuy nhiên cũng cần phải xem, đất bỏ không đã đành, nếu là đất sản xuất thì phải cân nhắc. Mặt khác, với 10 sân golf thế, có sử dụng hết không hay sẽ gây lãng phí? Quy hoạch 10 sân golf như vậy có khả thi không?
Ngoài vấn đề đất đai, cần phải xét đến khía cạnh môi trường. Vì loại cỏ làm sân golf ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Trong khi đó, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động không được bao nhiêu, vì người phục vụ chơi golf không nhiều. Với 10 sân golf, Quảng Bình cũng cần phải quan tâm đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, xem bao nhiêu hộ phải di dời, rồi việc làm của người dân ra sao? Người dân có đồng tình không?
Tỉnh nói xây 10 sân golf để tạo đột phá, điều này không ai cấm, nhưng phải có tính khả thi. Theo tôi, tỉnh Quảng Bình cần tính kỹ giữa cái lợi và cái hại. Quảng Bình làm một, hai sân golf thì được, còn 10 sân thì quá nhiều.
Dũng Nguyễn (ghi)