PGS.TS Vũ Thanh Ca nói, Luật Quản lý vùng bờ biển của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và một số nước khác đều quy định về việc sử dụng không gian ngay sát bờ biển, nơi không được phép có những hoạt động phát triển nếu không có giấy phép đặc biệt.
Mục đích của các quy định này là nhằm duy trì hành lang bảo vệ bờ biển, tạo sự liên tục của hệ sinh thái dưới biển và trên bờ để bảo vệ các hệ sinh thái biển và ven bờ, đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận bờ biển của cộng đồng và tăng hiệu suất sử dụng vùng biển sát bờ.
Trong thực tế, vùng sát bờ biển của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đều được thiết kế như một không gian mở để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận.
PGS.TS Vũ Thanh Ca nêu ví dụ Đà Nẵng xây dựng hệ thống các resort ven biển, khiến cho hiệu suất sử dụng bờ biển của Đà Nẵng giảm rất nhiều. Nhu cầu phát triển du lịch biển của Đà Nẵng rất cao. Trong tương lai nếu Đà Nẵng tiếp tục phát triển du lịch thì các bãi biển hiện nay của Đà Nẵng sẽ quá tải.
Việc xây dựng một hệ thống sân golf kéo dài dọc bờ biển trong tương lai sẽ làm hạn chế hiệu suất sử dụng bãi biển của Quảng Bình. Trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội thông qua, việc xây dựng các công trình trong phạm vi 100m tính từ mực nước triều cao nhất trung bình nhiều năm dọc bờ biển hoàn toàn bị cấm.
Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường, Bộ TN&MT, chưa thể đánh giá cụ thể tác động của dự án, nhưng việc xây dựng có thể làm thay đổi thảm phủ thực vật ven bờ biển, việc sử dụng khối lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khổng lồ tại sân golf sẽ ngấm xuống nước ngầm, trôi xuống biển gây ô nhiễm môi trường, thay đổi hệ sinh thái.
Trong đó đáng lưu ý nhất là vấn đề phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện hai loại cỏ được sử dụng nhiều ở sân gofl là cỏ Green (loại cỏ nhỏ, trồng gần lỗ golf) và cỏ Fareway được trồng phía ngoài. Hai loại cỏ này, nhất là cỏ Green đòi hỏi chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, các sân golf thường sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật như Delta-Coated (Controlled Release Fertilizer), Delta-Top.
Một sân golf 150 ha có thể sử dụng gần chục tấn Delta-Coated và gần 200 tấn Delta-Top/năm. Đó là chưa kể các loại thuốc trừ sâu khác. Việc xây dựng một tổ hợp sân golf ven biển 1.000 ha thì khối lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ rất lớn. Khối lượng này sẽ ngấm xuống đất, mạch nước, trôi ra biển, làm ô nhiễm biển, dẫn đến thay đổi hệ sinh thái biển và nguy cơ thủy sản nhiễm hóa chất độc hại.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phân tích: “Tôi không hiểu tỉnh Quảng Bình căn cứ vào đâu mà xin xây sân golf? Còn rất nhiều vấn đề sân golf đặt ra liên quan đất đai, môi trường...”. Không ít dự án mượn cớ xây dựng sân golf rồi đợi vài năm xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chưa kể, hiện xây dựng nhiều biệt thự lấn cả vào sân gofl bán kiếm lời.
“Chúng ta nên duy trì tốc độ phát triển sân golf phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế. Không thể cứ so sánh Thái Lan có hơn 200 sân golf, gấp hơn hai lần ta, nhưng GDP của họ cao gấp bốn lần Việt Nam. Sân golf như viên thuốc nhân sâm bổ dưỡng, nếu ta dùng liều lượng không phù hợp thì có ngày… chết toi”, ông Liêm cảnh báo.