Dự thảo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Ban Dân nguyện tổng hợp, với nhiều nội dung liên quan đến việc phòng chống tham nhũng.
Theo Ban Dân nguyện, cử tri đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đã quyết liệt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, cán bộ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý chưa đủ sức răn đe, việc bảo vệ người tố giác tội phạm, nhất là tố giác tội phạm tham nhũng còn chưa đảm bảo.
Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát các cơ quan thực thi pháp luật để giảm án oan, sai.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Tư pháp cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung giám sát việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi này.
Hoạt động giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng, từ đó góp phần bảo đảm cho các hoạt động này tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội.
Cũng liên quan đến vấn đề tham nhũng, cử tri nhiều tỉnh, thành cũng đề nghị có các giải pháp hiệu quả hơn trong thu hồi tài sản sau tham nhũng.
Việc này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các cơ quan chức năng đã nỗ lực, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng; cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng...
Cử tri nhiều địa phương đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về phòng chống tham nhũng lãng phí đối với các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, vốn ngân sách nhà nước, các công trình được đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách nhà nước...
Tiếp thu kiến nghị cử tri, năm 2019, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính và 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.968 tỷ đồng và 897 ha đất (đã thu hồi 19.329 tỷ đồng, 121 ha đất); đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng...