Chống tham nhũng: Đẩy lùi tư tưởng phòng thủ, cầm chừng

TP - * Năm 2020: Xét xử 10 đại án   Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đấu tranh đẩy lùi tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng (PCTN) sẽ “làm chậm sự phát triển”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ngày 15/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2019; thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020.

Chống tham nhũng: Đẩy lùi tư tưởng phòng thủ, cầm chừng ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN. Ảnh: TTXVN

Kỷ luật hơn 90 cán bộ Trung ương quản lý

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 người là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý 107 vụ án, 90 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 53 vụ/550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ/412 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những khâu, lĩnh vực còn yếu, có khó khăn, vướng mắc, như trong công tác giám định, định giá tài sản, giải mật, cung cấp hồ sơ, tài liệu; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Qua đó đã thu hồi được hơn 35.000 tỷ đồng; riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỷ đồng. Đặc biệt đã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương, góp phần khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong PCTN.

Năm 2020:  Xét xử 10 đại án

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý là “hết sức nặng nề” nên tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Công tác PCTN cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu trong năm 2020 tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc; truy tố 23 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc làm dở; những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc “tham nhũng vặt”. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTN sẽ làm chậm sự phát triển, hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, “nhụt chí, làm cầm chừng, phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Sẽ xử 10 đại án nào?

Thứ nhất: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Cty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1,  TPHCM.

Thứ hai: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM.

Thứ ba: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty Hải Thành, Quân chủng Hải quân liên quan đến đất số 7- 9 Tôn Ðức Thắng, Quận 1, TPHCM.

Thứ tư: Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Hội sở chính BIDV và Chi nhánh Hà Thành, Chi nhánh Hà Tĩnh và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng.

Thứ năm: Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ.

Thứ sáu: Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Cty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan.

Thứ bảy: Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Cty Gang thép Thái Nguyên.

Thứ tám: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn.

Thứ chín: Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”.

Thứ mười: Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi.

MỚI - NÓNG