Sai lầm phổ biến trong điều trị bệnh zona

Sai lầm phổ biến trong điều trị bệnh zona
Kinh nghiệm truyền miệng của nhiều người là nhai đỗ xanh, gạo nếp rồi đắp lên vết giời leo, việc này càng tăng thêm nguy cơ biến chứng. Vậy, cách phòng tránh, chữa trị bệnh ra sao?

Theo tài liệu trên website chính thức của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, bệnh Zona (giời leo) do virus herpes zoster (varicella-zoster virus hoặc VZV) gây ra. Virus này cũng chính là tác nhân của bệnh thủy đậu.

Triệu chứng

Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng, bệnh zona có thể xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trên cơ thể.

Triệu chứng đầu tiên là cảm giác đau, ngứa, căng, bỏng, nhức ở một phía của cơ thể. Thông thường, sau khi cơn đau xuất hiện 1-3 ngày các dải ban sẽ nổi , tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau. Sau đó nó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày, 2-3 tuần sau, ban sẽ biến mất, vảy rơi ra, có thể để lại sẹo.

Quá trình ủ bệnh

Trước khi thấy những mẩn đỏ, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác đau rát và nhạy cảm vùng da trước đó vài ngày đến một tuần. Bệnh zona khởi đầu là những mụn rộp (mụn nước) trên nền da màu đỏ, và tiếp tục hình thành mới từ 3-5 ngày. Mụn nước thường đi theo đường dây thần kinh của tuỷ sống.

Cuối cùng, các mụn vỡ ra và bắt đầu chảy nước, sau đó bề mặt khô đi và hoá sẹo. Quá trình này có thể kéo dài 3-4 tuần từ khi bắt đầu bị bệnh đến lúc khỏi, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn đau dù không nhìn thấy mụn nước.

Bệnh có thể phát triển thành dịch vào các mùa hè, mùa mưa do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với những người mắc. Việc dùng chung khăn mặt, khăn tắm... với người bệnh có thể khiến bạn bị lây nhiễm.

Cách điều trị

Dùng băng ngâm nước lạnh đặt vào vết thương rỉ mủ trong khoảng 20 phút, mỗi ngày từ 7-8 lần để làm dịu bớt cơn đau và nhanh khô. Biện pháp này còn giúp lấy bớt vảy ra ngoài và giảm khả năng bị nhiễm trùng.

Giữ cho khu vực vết thương được sạch sẽ, mặc quần áo rộng. Tránh tiếp xúc da chạm da với những người chưa từng bị thủy đậu, đang bệnh, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.

Bạn có thể sử dụng thuốc kháng virus như acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex) và famciclovir (Famvir), có thể giảm thời gian phát ban và đau. Lưu ý, không được gãi vì tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo. Điều trị tốt nhất là trong vòng 48 giờ tính từ khi có tổn thương da.

Nếu bệnh nhân đau cấp có thể uống thêm thuốc giảm đau thần kinh phối hợp như gabapentin (neurotin) hoặc pregabalin (lyrica) trong thời gian từ 1-3 tuần. Nếu sau khi tổn thương da khỏi mà vẫn còn đau thì phải điều trị bằng các thuốc trên kéo dài hơn.

Tuyệt đối không đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam lên tổn thương da. Làm như vậy không chữa được bệnh mà đôi khi còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây loét, kích ứng da...

Khi tổn thương da ướt, tiết dịch nhiều, bạn nên bôi các chế phẩm dạng dung dịch như jarish, dalibour, dung dịch kháng sinh. Khi tổn thương da khô hơn có thể bôi kem acyclovir. Nếu nhiễm trùng dùng thêm mỡ kháng sinh như foban, bactroban.

Bệnh nhân không cần kiêng ăn, vẫn tắm rửa, tập thể dục bình thường. Trong khi điều trị nếu có điều kiện, bạn nên chiếu laser He-Ne một đợt để góp phần giảm viêm, đau và hạn chế sẹo.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu cảm thấy đau hoặc nổi ban thành dải ở một phía của cơ thể bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn tốt hơn. Lưu ý, vết ban ở mũi hoặc gần mắt, bạn cần phải đi khám ngay vì virus có thể gây tổn thương thị giác, thậm chí mù.

Nếu đang có bệnh gây suy giảm chức năng miễn dịch, hoặc sốt cao, mệt mỏi, vết phồng lan ra nhiều khu vực khác trên cơ thể, bạn cũng cần tìm gặp bác sĩ để tránh xảy ra biến chứng.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG