Ngày 24/12, UBND TPHCM phát đi công điện khẩn do Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm, ký yêu cầu các Sở ngành và 24 quận huyện trên địa bàn theo sát diễn biến cơn bão Tembin và chuẩn bị các phương án phòng chống, ứng phó kịp thời đển hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Công điện nêu rõ, các Sở, ngành, đơn vị thành phố và UBND các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, hệ thống lưới điện, chặt tỉa cây xanh… để đảm bảo an toàn; Chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác ứng phó bão và tìm kiếm cứu nạn-cứu hộ khi có yêu cầu. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 16.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng giao Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ căn cứ vào diễn biến tình hình thực tế của bão Tembin để quyết định việc di dời người dân, yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối; giao Sở GTVT và công ty Công viên cây xanh khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát cây xanh ven đường, công viên, khu vui chơi giải trí để chặt tỉa, đốn hạ cây không đảm bảo an toàn do ảnh hưởng của giông gió. Tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục sự cố cây xanh ngã đổ, đặc biệt là cây ngã đè nhà dân, công trình kiến trúc…
Sở GD-ĐT, đại học quốc gia TPHCM và các trường trên địa bàn thành phố phải có biện pháp rà soát, kiểm tra trường học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên trong cơn bão số 16. Tùy theo diễn biến thực tế cơn bão để quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn.
Đồng thời, để chủ động phòng, tránh mưa lớn, nước dân gây ngập lụt, sạt lở do bão Tembin gây ra, UBND TPHCM chỉ đạo các Sở ngành, đơn vị địa phương chủ động triển khai phương án phòng chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả nước lũ.
Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao như huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Cánh, các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 2… tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động sơ tán, di dời dân đến các địa điểm an toàn.
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 10h ngày 24/12, vị trí tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), như vậy chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).
Trong 12 đến 24h tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 10 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão cách Côn Đảo 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.
Đến 22h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4.
Do ảnh hưởng của bão Tembin, trong ngày và đêm mai (25/12), Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.