Sơ tán dân, cho học sinh nghỉ học trước khi bão số 16 đổ bộ

Bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa phòng chống bão. Ảnh: Xuân Lương
Bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa phòng chống bão. Ảnh: Xuân Lương
TPO - Trước diễn biến khó lường của bão số 16, các địa phương ven biển đã khẩn trương xây dựng các phương án ứng phó, chằng chống nhà cửa, di dời dân đến nơi an toàn…

Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban ngành; các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão, thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người dân.  UBND các huyện ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão cần triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Ở TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng), các lực lượng chức năng tiến hành gia cố một số tuyến đê biển xung yếu và địa phương này cũng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ gia cố lại một số tuyến đê khác. Hoàn tất triển khai phương án di dời người dân ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng vào các điểm chùa, trường học để trú, tránh bảo trong tình huống khẩn cấp.

Riêng huyện Long Phú, lãnh đạo huyện cũng thường xuyên cập nhật tình hình của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời. UBND huyện Long Phú xác định những nơi xung yếu nhất và di dời người dân vào các điểm trú an toàn. Theo lãnh đạo UBND huyện Long Phú, khó khăn hiện nay là có một số bộ phận người dân còn chủ quan với bão vì chưa thấy dấu hiệu rõ rệt nên huyện đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về những diễn biến của bão số 16.

Tại huyện Trần Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Hữu Danh cho biết, toàn huyện có 4 đơn vị hành chính gần cửa biển là Thị trấn Trần Đề, xã Trung Bình, Đại Ân 2 và xã Lịch Hội Thượng với 1.339 hộ dân, 4.942 người phải di dời khi bão đổ bộ vào. Các hộ dân sẽ được di dời vào trụ sở UBND xã, trường học, Đồn Biên phòng Bãi Giá. Huyện đã chuẩn bị sẵn phương tiện di chuyển bà con đến nơi tránh bão cũng như các phương tiện ứng phó với bão.

Với tàu thuyền, Trần Đề có 616 chiếc, trong đó có 297 phương tiện đánh bắt gần bờ và 319 phương tiện đánh bắt xa bờ. Hiện nay, tất cả các phương tiện đánh bắt gần bờ đã vào nơi tránh bão an toàn, riêng tàu đánh bắt xa bờ chỉ còn khoảng 100 tàu đang trên đường vào nơi trú bão, dự kiến khoảng 15 giờ ngày 25/12 sẽ vào đến nơi.

Với số lượng tàu thuyền của địa phương cũng như của các địa phương khác vào tránh bão tại Cảng Trần Đề là khá nhiều nên ngoài số tàu trú tại Kinh Ba (thị trấn Trần Đề), UBND huyện này bố trí một số tàu di chuyển qua Cồn Tròn và Vàm Hồ (huyện Cù Lao Dung) ra sông Hậu lên phía huyện Long Phú; số còn lại di chuyển vào sông Mỹ Thanh về hướng cầu Mỹ Thanh 2 trở vào. Đây là những nơi trú an toàn vì vào sâu trong đất liền.

Sơ tán dân, cho học sinh nghỉ học trước khi bão số 16 đổ bộ ảnh 1 Tàu vào neo đậu ở cảng Trần Đề

Trung tá Bùi Thành Thắng, Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng Bãi Giá (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết: “Đồn đã thành lập 2 tổ công tác ở thị trấn Trần Đề và xã Trung Bình để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và giúp bà con di dời, giằng chống, gia cố nhà cửa, công trình nhằm tránh thiệt hại khi bão đổ bộ vào. Đơn vị trực chiến 100% quân số, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh. Hiện tại, đơn vị đang gia cố doanh trại, sẵn sằng đón bà con vào ở khi có bão”.

Ở huyện Cù Lao Dung, UBND huyện đã có kế hoạch di dời hơn 6.470 người trong vùng xung yếu đến 28 điểm kiên cố trú bão. Phần lớn, các địa phương sẽ tận dụng điểm trường học, chùa, nhà thờ để làm nơi trú bão cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Bé Tư, cho biết, huyện cù lao bốn bề sông nước nên khi có thiên tai, mưa bão, huyện sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trên địa bàn huyện có 137 tàu thuyền nhỏ, chủ yếu đánh bắt gần bờ, huyện cũng đã kêu gọi tàu thuyền đánh cá vào nơi trú ẩn an toàn. Còn Sở GD-ĐT Sóc Trăng đã thông báo đến các trường học cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 25 và 26/12.

Ở tỉnh Bến Tre, sáng 24/12, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết,  địa phương đang gấp rút chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa… trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Tại khu vực cảng cá Bình Đại, khu neo đậu tránh trú bão Bình Đại (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) có hàng trăm phương tiện đánh bắt thủy sản đang trên đường vào bờ và neo đậu an toàn.

Theo UBND huyện Bình Đại, toàn huyện có 1.144 tàu đánh bắt thủy sản và 26 tàu ngoài tỉnh. Trong đó có 825 tàu đang neo đậu ở nơi trú bão, 345 phương tiện phương tiện còn hoạt động trên biển. Các phương tiện trên biển thì có 194 phương tiện đang trên đường vào bờ, số còn lại thông báo đang vào tránh trú bão tại các địa phương khác. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 2.680 phương tiện tàu, thuyền đã tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Hiện nay, vẫn còn 487 phương tiện/1.948 người đang hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm và đang trên đường vào bờ để tránh trú bão.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, dự báo tối 25/12 bão số 16 sẽ đổ bộ vào đất liền nên địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền để người dân biết thông tin về cơn bão nguy hiểm nhằm có giải pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ tính mạng của chính mình, đồng thời, tiếp tục thống kê tàu thuyền đang neo đậu và trên đường về để sắp xếp nơi neo đậu an toàn.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tiến hành quyết liệt việc di dân nếu cần sẽ cưỡng chế để đảm bảo tính mạng của người dân. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 20.000 người, trong đó tập trung ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…di dời vào nơi an toàn trước và sẽ hoàn thành trước 12 giờ trưa 25/12. Công tác ứng phó đang được triển khai gấp rút từ tỉnh xuống huyện, xã, ấp và hộ dân để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

Ông Lê Văn Răng, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, hiện tại đã triển khai phương án ứng phó bão số 16 xuống tận các xã, ấp, các ngành và cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26-12. Thực hiện rà soát phương án ứng phó thiên tai của địa phương, triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó. Các địa phương đang chuẩn bị di dời dân ở những nơi nguy hiểm vào khu vực an toàn tại các trạm y tế, chùa, trường học, trụ sở UBND xã.

Tại cuộc họp khẩn của UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng đã chỉ đạo: "Sẵn sàng ứng phó mọi diễn biến bất thường của bão Tembin".

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ngoài những địa phương được dự báo là nơi tâm bão đi qua, các địa phương khác không được chủ quan, lơ là, phải sẵn sàng ứng phó mọi diễn biến bất thường của bão, kiểm tra lại các điểm có nguy cơ sạt lở, đảm bảo các điểm di dời phải chắc chắn nhưng không tập trung đông người dân vào một điểm di dời, ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Ông Hùng yêu cầu các lực lượng phải đảm bảo chỉ huy, phương tiện, lực lượng, thông tin liên lạc thông suốt, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", các phương tiện thông tin đại chúng phải thông báo liên tục đến nhân dân diễn biến của cơn bão, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, đường đi tâm bão số 16 từ hướng tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Trà Lồng, xã Long Phú (thị xã Long Mỹ), các xã của huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang.

Dự báo vùng tâm bão đi qua có gió cấp 9 - 10, giật cấp 13, bán kính ảnh hưởng của bão từ 80 - 100km, ngoài tâm bão thì toàn bộ tỉnh Hậu Giang sẽ bị ảnh hưởng. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương vùng tâm bão đi qua có kế hoạch cụ thể di dời an toàn người dân ra khỏi vùng tâm bão; các địa phương còn lại chịu ảnh hưởng của bão nhanh chóng rà soát các trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hóa và các nhà kiên cố của người dân để đưa người dân vào trú ẩn an toàn, không cho dân ở trong nhà tạm bợ và không đảm bảo an toàn, khuyến cáo người dân tạm ngưng xuống giống lúa Đông - Xuân, che chắn ao hồ thủy sản nhằm tránh thất thoát, các sở ngành khẩn trương chuẩn bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng di dời, ứng cứu nhân dân khi có lệnh.

MỚI - NÓNG