Bão số 16 sắp vào khu vực đảo Trường Sa Lớn, sóng biển cao 10m

Tàu cá vào neo đậu ở cảng Trần Đề, Sóc Trăng.
Tàu cá vào neo đậu ở cảng Trần Đề, Sóc Trăng.
TPO - Chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m, sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân. Sóng biển cao 10 mét, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo.

Theo tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão; ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn gió tiếp tục mạnh lên với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn gió tiếp tục mạnh lên với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Vị trí tâm bão lúc 12h hôm nay (24/12) là 8,3N-114,0E; cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Như vậy chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân. Sóng biển cao 10 mét, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

Sáng 24/12, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiêm Phó Trưởng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố Cần Thơ triệu tập cuộc họp khẩn để bàn về giải pháp ứng phó với cơn bão số 16 đang diễn biến phức tạp.

Bão số 16 sắp vào khu vực đảo Trường Sa Lớn, sóng biển cao 10m ảnh 1 Quang cảnh cuộc họp ở UBND thành phố Cần Thơ sáng nay.

Tại cuộc họp, ông Đào Anh Dũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố dừng các hội họp tập trung triển khai phương án ứng phó với bão một cách nhanh nhất, nhân dân biết và chủ động cùng ứng phó với các cấp chính quyền. Đồng thời, đề ra các phương án ứng phó với bão, trong đó, trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán dân tại chỗ trên 137 nghìn người đến địa điểm an toàn trú bão.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo chuẩn bị kịch bản ứng phó phải thật chu đáo từ nước, thuốc, thức ăn, xe, đặc biệt là ngành điện phải có phương án dự phòng đảm bảo không gián đoạn.

“Việc di dân phải thật đảm bảo an toàn. Còn đến trưa mai (25/12) nếu bão diễn biến phức tạp thì thành thành phố sẽ quyết định cho khối trường học các cấp từ mầm non đến các trường đại học, dạy nghề nghỉ ngày 26-27/12 để đảm bảo an toàn”, ông Dũng thông tin.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực Miền Nam cũng phát công văn hỏa tốc gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu triển khai các phương án phòng chống bão, xử lý kịp thời các tình huống đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn người, thiết bị, công trình. Đồng thời, rà soát, báo cáo Ban chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, thành phố phương án cắt điện khi bão vào, đặc biệt là những tuyến dây dễ xảy ra sự cố như: đường dây đi qua rừng cây, khu vực ngập lụt, sạt lở… để đảm bảo an toàn cho người dân. Song song đó, kiểm tra các vị trí xung yếu trên lưới điện, trạm biến áp, nhà máy điện, công trình thủy điện… để phát hiện và khắc phục kịp thời những khuyết điểm của thiết bị.

Đồng loạt cho học sinh nghỉ học để ứng phó với bão Tembin

Trưa ngày 24/12, trao đổi với Tiền Phong, ông Kim Ngọc Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, vừa ra thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong 2 ngày 25 – 26/12 nhằm ứng phó với bão Tembin (bão số 16).

Ông Thái cho biết, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với 4.861 ngư dân hành nghề. Thời điểm này, tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn. Tỉnh cũng đã có thông báo không cho tàu thuyền ra khơi, tất cả phải đợi đến khi thời tiết thuận lợi cũng như có thông báo mới nhất.

“Sáng nay, chúng tôi đã khảo sát và kiểm tra thực tế tại các địa phương ven biển, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu tại huyện Duyên Hải. Thời điểm này, công tác chuẩn bị ứng phó bão được đảm bảo tốt, các lực lượng được bố trí 24/24, các phương án ứng cứu, khác phục sự cố, sơ tán dân cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng” – ông Thái nói. Đồng thời ông này cũng cho biết thêm, bão số 16 sắp đi vào biển Đông, riêng Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng tại các huyện ven biển như: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Thị xã Duyên Hải. Đây là siêu bão với  mức độ rủi ro khó lường, nên công tác chủ động ứng phó luôn được đặt lên hàng đầu đề phòng trường hợp xấu nhất.

Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nơi đây có khoảng 20.000 học sinh đang theo học ở tất cả các cấp học. Tổng số tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc khoảng 2.600 tàu. Đa số các tàu cá đã vào nơi trú ẩn an toàn, địa phương tiếp tục, khẩn trương thông báo cho các tàu còn lại vào bờ, tránh bão. Ông Đinh Khoa Toàn – Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết, sáng nay huyện vừa thực hiện nhiều công tác ứng phó với bão Tem Bin, trong đó đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12 cho đến khi hết bão.

Cà Mau: Hoãn họp đề phòng chống bão

Vào 10h hôm nay (24/12), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- ông Nguyễn Tiến Hải ra công điện gởi Ban chỉ huy PCTT- TKCN, các sở ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về phòng, chống bão số 16.

Sau khi rà soát, kiểm tra công tác phòng chống bão Tembin (bão số 16), Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Đài phát thanh- Truyền hình Cà Mau, Đài truyền thanh các huyện- thành phố Cà Mau và Trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn cập nhật thông tin diễn biến bão số 16 và hướng dẫn kỹ năng phòng chống bão. Với hộ nghèo, UBND tỉnh Cà Mau cho xuất ngân sách hỗ trợ dây chằng chống và lực lượng hỗ trợ để chằng chống nhà cửa an toàn.

Chủ tịch UBND các huyện cho các xã, thị trấn, phường vận động bà con di dời người già, trẻ em, người bệnh đến gia đình người thân có nhà kiên cố. Các cơ quan, trường học, xí nghiệp tổ chức trực 24/24 để bảo vệ tài sản, sẵn sàng hỗ trợ người dân đến trú ẩn tránh bão.

Bão số 16 sắp vào khu vực đảo Trường Sa Lớn, sóng biển cao 10m ảnh 2 Người dân Cà Mau chằng chống nhà cửa

Bộ chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng, Công an huy động lực lượng và phương tiện cần thiết, sẵn sàng cứu nạn cứu hộ. Các nhà mạng và công ty Điện lực Cà Mau kiểm tra đường dây, trạm thu phát sóng, bảo vệ thông tin liên lạc.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung nhân lực cho phòng chống bão số 16. Sở Công Thương Cà Mau kiểm tra, xử lý tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng chống bão. Sở Y tế Cà Mau chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị cán bộ, cơ số thuốc để cứu hộ dân.

Các điểm trường trên địa bàn Cà Mau đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ sáng ngày 25 đến hết ngày 26/12 cho đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau cập nhật thông tin, báo cáo tình hình phòng chống bão số 16 gởi về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Cà Mau vào lúc 10 giờ và 16 giờ hàng ngày.

MỚI - NÓNG