Tại cuộc họp, ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau chỉ đạo: “Trong hôm nay và ngày mai (24 và 25/12), các đơn vị chức năng phải tuyên truyền, vận động, triển khai phương án phòng chống bão số 16. Ngay từ hôm nay, chính quyền tổ chức di dời dân đến nơi an toàn, bảo quản tài sản, thành quả sản xuất…và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12”.
Lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng huy động lực lượng phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản. Ban thường vụ Tỉnh uỷ phân công các thành viên phụ trách địa bàn và tất cả công sở, trường học, xí nghiệp tổ chức ứng trực 24/24.
Ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, cán bộ, Đài PT- TH Cà Mau, Đài truyền thanh các huyện, xe thông tin liên tục cập nhật thông tin diễn biến bão số 16 cho nhân dân. Từ sáng hôm nay (24/12), chính quyền tổ chức di dời người già, trẻ em, tài sản ở những vùng nguy hiểm; các trường trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ 25-26/12.
Ông Hải cũng đề nghị ngành Giao thông Vận tải, Viễn thông, Điện lực…giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Các nhà mạng, điện lực gia cố trạm, cột để bảo vệ thông tin liên lạc thông suốt. Lực lượng Công an, Biên phòng, Quân đội huy động lực lượng, chuẩn bị phương tiện để ứng trực cứu hộ.
Ông Nguyễn Tiến Hải phân công Bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm chính ở cửa biển trọng điểm Sông Đốc (Trần Văn Thời), Bộ Chỉ huy quân sự điều phương tiện đến Năm Căn, Ngọc Hiển, và Công an Ca Mau đưa lực lượng, phương tiện đến Cái Đôi Vàm (Phú Tân), Khánh Hội (U Minh).
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Cà Mau báo cáo đã chằng chống hơn 8.000 ngôi nhà, vận động di dời 87.000 người, liên lạc và hướng dẫn tàu bè thoát ra vùng nguy hiểm, di chuyển đến nơi neo đậu an toàn.
Bạc Liêu di dời dân ven biển, trong rừng phòng hộ
Sáng 24/12, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu họp khẩn, bàn giải pháp, nhiệm vụ phòng tránh, ứng phó bão số 16 (bão Tembin). Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- ông Dương Thành Trung chỉ đạo cơ quan chức năng di dời dân ở những nơi nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn từ ngày 24/12.
Cụ thể ông Dương Thành Trung chỉ đạo các huyện ven biển gồm: Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu cần di dời, sơ tán dân từ 24/12 nhưng tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Các lực lượng chức năng cần vận động, khuyến khích người dân sơ tán nhất là người già, trẻ em và lực lượng trong độ tuổi lao động, thanh niên sơ tán sau cùng khi thật sự cần thiết...Chủ tịch UBND các địa phương cần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chú ý công tác vệ sinh môi trường, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự khi di dời dân.
Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Bạc Liêu sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số 31.000 điểm sơ tán là trụ sở cơ quan, trường học, điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng và nhà người dân xây dựng kiên cố.
Tỉnh Bạc Liêu huy động 12.000 người, 24.000 phương tiện…than gia bảo vệ tài sản, di dời dân và ứng phó với tình huống bão 16 đổ bộ vào đất liền.
Ông Bùi Minh Túy- Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) là cửa biển lớn của tỉnh, có khả năng ảnh hưởng lớn do bão nhưng người dân nơi đây còn rất chủ quan, lơ là phòng tránh bão. Đáng lo nhất, nếu sóng biển đánh cao 7-9 m khi bão vào, tuyến đê kè Gành Hào cùng hơn 15.000 dân ở thị trấn này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; toàn bộ người dân thị trấn phải di dời, sơ tán.
Ông Lưu Hoàng Ly- Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu cho biết, cán bộ, nhân dân thành phố chưa có kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó bão, nên triển khai công tác ứng phó bão ở đây còn rất lúng túng, cần được sự hỗ trợ. Thành phố Bạc Liêu có hàng trăm hộ dân sinh sống ngoài đê rừng phòng hộ, ven biển... cần được di dời, bảo vệ tính mạng, tài sản khi xảy ra bão.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu- ông Nguyễn Quang Dương chỉ đạo: “Để giảm bớt thiệt hại về người, tài sản nếu bão đổ bộ, các địa phương phải khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó bão. Các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai phương án di dời, sơ tán dân, chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, lương thực, chăm sóc sức khỏe, môi trường, dịch bệnh…
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Bạc Liêu có 1.232 tàu đánh bắt trên biển với 10.298 thuyền viên. Tính đến 6 giờ sáng 24/12, địa phương còn 177 tàu với 1.189 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Tất cả phương tiện trên đều giữ liên lạc với đất liền và đang di chuyển đến nơi trú bão an toàn; vẫn còn một số chủ tàu chưa chấp hành nghiêm, chưa vào đất liền trú bão.