Gần 37 ngàn người cần phải di dời tránh bão
Sáng 24/12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục công tác kiểm tra phòng chống bão số 16 (Tembin).
Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch tổ chức di dời, sơ tán dân khi bão (cấp 15-16) đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Dự kiến có khoảng 16.500 hộ với 36.752 người cần phải di dời, sơ tán (9.452 hộ sơ tán tại chỗ, 5.291 hộ sơ tán tập trung). UBND thành phố đã yêu cầu các hộ dân nằm trong diện di dời phải tuân thủ lệnh di dời. Nếu hộ dân nào không thực hiện di dời sẽ phải cưỡng chế. Dự kiến sẽ di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; sơ tán tại chỗ từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố; huy động lực lượng phương tiện vận tải di chuyển dân.
Các đơn vị viễn thông; Điện lực TP. Vũng Tàu; Công ty CP phát triển công viên cây xanh Vũng Tàu; Trung tâm y tế, lực lượng y tế đã tập trung công tác chuẩn bị ứng phó; các trung tâm thương mại chuẩn bị lương thực, thực phẩm để sẵn sàng cung cấp cho dân.
Tính đến hôm nay, có khoảng 3.000 du khách đang có mặt tại TP Vũng Tàu. Các khu du lịch đã xây dựng phương án di dời khách du lịch kịp thời khi bão đến.
UBND TP Vũng Tàu đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn không nhận khách lưu trú qua đêm, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ khách kể từ 12h hôm nay (24/12) đến ngày 26/12.
UBND TP. Vũng Tàu lưu ý đặc biệt các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch dọc bãi biển phải lập tức thông tin cho khách về cơn bão và đề nghị khách rời Vũng Tàu nếu khách ở khu vực miền Đông Nam bộ.
Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú đã nhận khách không thể trả khách do khách ở xa thì phải liên hệ với các khách sạn kiên cố ở khu vực lân cận từ 2 sao trở lên để di dời khách đến lưu trú.
Vẫn còn một số khách du lịch tắm biển Vũng Tàu vào sáng nay
Theo Ban phòng chống lụt bão TP Vũng Tàu, số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại kênh Bến Đình là 1.390 tàu, lượng tàu thuyền này đang quá tải nên UBND TP. Vũng Tàu kiến nghị UBND tỉnh hướng dẫn cho ghe tàu vào neo đậu ở luồng sông Dinh để giảm bớt áp lực ở kênh Bến Đình.
Tối ngày 23/12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN cho biết huyện Côn Đảo dự kiến sẽ di dời, sơ tán gần 1.800 người dân và 651 khách du lịch, vận động, di dời khoảng 5.500 ngư dân từ tàu thuyền lên đảo và bố trí ngư dân vào đến các trường học, trụ sở cơ quan, khách sạn kiên cố để tránh bão. Việc di dời sẽ hoàn tất trước 20 giờ ngày 24/.
Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã nâng cấp báo động, duy trì nghiêm ngặt chế độ trực sẵn sàng chiến đấu 24/24; tổ chức chằng chống kho tàng, nhà xưởng, doanh trại; đưa tàu thuyền cơ động vào nơi trú tránh an toàn và sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Trực thăng vận sơ tán nhân viên dầu khí
Sáng 24/12, Ban Chỉ huy ứng cứu khẩn cấp của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) đã quyết định dừng giàn BK.TNG và bắt đầu từ 7h ngày 24/12 tiến hành sơ tán người. Đồng thời dừng công việc khai thác, khoan, vận chuyển dầu, khí cùng các biện pháp an toàn như: Bảo tồn giếng khoan và giếng đang sửa chữa, đóng giếng khai thác; dừng toàn bộ các giàn cố định, giàn công nghệ Trung tâm mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, tiến hành bơm rửa các đường ống dẫn dầu, xả áp suất trong các đường ống dẫn khí... VSP cũng tiến hành sơ tán cán bộ, công nhân từ các giàn nhẹ BK-4, BK-5 và BK-6 và những người không tham dự vào quá trình sản xuất chính của các công trình còn lại.
Tổng Công ty Thăm dò Dầu khí (PVEP) đã tiến hành cho sơ tán 60 người đang làm việc tại các dự án, mỏ trên biển Đông để tránh bão. Số người còn lại sẽ tùy tình hình thời tiết thực tế để tiếp tục sơ tán. Mỏ Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC đã tiến hành sơ tán 60 người trên 3 chuyến bay trong sáng 23/12. Trong sáng 24/12 dự kiến sơ tán 38 người trên mỏ Tê Giác Trắng bằng máy bay. PVEP POC sẽ cho sơ tán toàn bộ người trên giàn Đại Hùng 1 bằng máy bay vào sáng 24/12. Các dự án khác cũng triển khai sơ tán người vào ngày 24/12 bằng máy bay và tàu.