Saeko Ando - Đại sứ của sơn mài Việt Nam

Saeko Ando - Đại sứ của sơn mài Việt Nam
TP - “Đã đi nhiều nước nhưng không có duyên, như gia đình mình nói: Chắc kiếp trước Saeko là người Việt Nam!” - Họa sĩ sơn mài Saeko Ando cắt nghĩa về việc định cư ở Việt Nam.
Saeko Ando - Đại sứ của sơn mài Việt Nam ảnh 1
Saeko Ando

“Khi sang Việt Nam chơi, mình gặp mấy bạn người Việt Nam rất tình cảm, thì bắt đầu thích Việt Nam, quyết định ở đây mấy tháng nữa...”.

Người tiếp theo mà Saeko gặp là họa sĩ Trịnh Tuân- mà chị nhận là “sư phụ đầu tiên” của mình về tranh sơn mài Việt Nam.

Nhà cháu ở Việt Nam!

Đến Việt Nam lần đầu tháng 10/1995, một tháng sau, visa du lịch hết hạn, chị “chạy” qua Campuchia ở tạm 2 tuần, ban ngày lại bắt xe bus về Việt Nam chơi. Xin được visa dài hạn là ở lì Việt Nam luôn. Trời trở lạnh, bay về Nhật lấy đồ xong lại “quay về”. Với Việt Nam, Saeko luôn dùng chữ “về” như thế.

“Bản thân mình không biết mình giống người Việt Nam không, nhưng không chỉ người Nhật mà người nước ngoài quanh mình nói, cách sống của Saeko như người Việt Nam - rất vô tư, thoải mái, tình cảm nữa!”. Nghĩa là hồi ở Nhật, chị ít tình cảm hơn, không vô tư bằng?”. “Xã hội Nhật là như thế, mình thấy không thoải mái lắm, đặc biệt Tokyo thì... sợ lắm, căng thẳng lắm!”.

Saeko có 2 con trai. Hồi theo mẹ về Nhật để sinh em bé, mọi người hỏi Kai, 4 tuổi: “Nhà của con ở đâu?”. Cậu bé trả lời: “Việt Nam!”. Cậu bé nói được tiếng Việt, tiếng Nhật và đang tập nói tiếng Anh ở nhà trẻ. “Nó hay sang nhà hàng xóm ăn, xem ti vi. Nó làm gì không tốt thì hàng xóm cũng mắng như mắng con nhà mình...”.

Ngoài khoảng 1-2 tháng học tiếng Việt với cô giáo, còn đâu Seako tự học. Giờ đây, chị có thể huyên thuyên cả tiếng với nhà báo mà chưa hết chuyện. “Nhiều người nói tiếng Việt rất khó học. Khó nói thôi, còn ngữ pháp thì đơn giản. Viết, đọc cũng không phải khó lắm”. Từng học tiếng Trung, nên phát âm tiếng Việt với Saeko “không phải là vấn đề lớn”!

Sau 1 năm học trung học ở Mỹ theo một chương trình trao đổi học sinh, trong khi nhiều bạn bè ở lại học đại học, Saeko quay về Nhật Bản. Chị đăng ký vào khoa Triết, Đại học Waseda- học Văn hóa Nhật Bản. Để bây giờ: “Đã biết nền văn hóa của mình thì sang Việt Nam học nhanh hơn, hay hơn nữa!”.

Tốt nghiệp đại học, Saeko dự tính đi làm để có tiền ra nước ngoài học mỹ thuật. Với chiều cao 1m63, gương mặt thanh tú Saeko đã có 2 năm rưỡi làm tiếp viên cho Hãng Hàng không Quốc gia Nhật Bản, trước khi trở về với niềm yêu thích của mình.

Bây giờ hỏi công việc hàng ngày là gì, chị nói ngay: “Vẽ tranh!”. Dù thực ra thời gian này chị vẽ được ít. Vẽ ở nhà thì vướng 2 con nhỏ, vẽ ở phòng tranh thì lại có học sinh. Mặt khác, Saeko đang tập trung vào việc nghiên cứu và giới thiệu sơn mài Việt Nam.

Trọn đời vì sơn mài

Saeko Ando - Đại sứ của sơn mài Việt Nam ảnh 2
Tranh của Saeko Ando

“Đa số họa sĩ Việt Nam vẽ sơn mài vì dễ bán hay vì đấy là đặc sản của Việt Nam, mà không biết nhiều về sơn mài. Người giỏi, có kinh nghiệm về sơn mài thì lại thường không nói được tiếng nước ngoài. Một vấn đề nữa, Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về khoa học sơn mài, chẳng hạn về chất sơn”. Học sơn mài Việt Nam xong, Saeko mới bắt đầu quay sang nghiên cứu sơn mài Nhật.

Ngoài vẽ tranh, Saeko tự giao cho mình nhiệm vụ thu thập các thông tin về sơn mài Việt Nam và của một số nước khác để so sánh và giới thiệu cho mọi người.

“Đã xác định sự nghiệp họa sĩ, mà lại không có thời gian để vẽ, chị có thấy tiếc không?”. Saeko gật gù: “Tiếc lắm! Nhưng Saeko muốn chia sẻ đam mê của mình. Đã quyết định vẽ tranh sơn mài cả đời rồi, bây giờ 38 tuổi, còn 3-4 chục năm nữa để vẽ! Thì tập trung vào việc giới thiệu sơn mài”.

Saeko thuê được một cơ ngơi thoáng rộng trên đường Nghi Tàm (Hà Nội) để làm phòng trưng bày tranh, lớp học và quán cà phê luôn - đặt tên là Cây Sơn. Chị treo tranh mài dùng sơn ta cạnh tranh dùng sơn công nghiệp để người xem phân biệt. Có cả một số bức sơn mài khổ nhỡ của Saeko - khác hẳn tranh do họa sĩ Việt Nam vẽ, không chỉ vì cách sử dụng tông màu, hay độ sắc nét của hình, mà ngay từ đề tài.

Saeko toàn vẽ các con vật: voi, đà điểu, cá sấu, rắn, khỉ… cả những con thằn lằn châu Mỹ to tướng. Tranh Saeko thể hiện một tình yêu thiên nhiên, một tâm hồn trẻ thơ, hồn nhiên và tinh tế.

Đối tượng theo học sơn mài tại Cây Sơn chủ yếu là phụ nữ có chồng đang công tác ở Việt Nam. Khi quyết định đến đây học, người ta chỉ nghĩ mình thừa thời gian không biết làm gì, nhưng bắt đầu vẽ thì mê luôn. Cô giáo lý giải: “Nếu cái gì đơn giản, dễ làm thì người ta không mê thế đâu!”. Rất nhiều học viên của Cây Sơn khi phải về nước đã mang theo các nguyên liệu về để tiếp tục làm sơn mài.

Ngay tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, có một lớp sơn mài mà học sinh cũng toàn phu nhân người nước ngoài- đông hơn lớp của Saeko, và khác cái là dạy vẽ bằng sơn công nghiệp. Ở Cây Sơn, học sinh phải tự làm mọi thứ: pha màu, bôi màu, vẽ, mài, đánh bóng, cho đến rửa những dụng cụ mà mình đã dùng.

“Có một cô bé 18 tuổi đã học sơn mài trong trường ở Kyoto, và đang tính xin vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam để học sơn mài” - Saeko cho hay. “Cô ấy đã đến đây, bắt đầu vẽ tranh...”. Một số người Nhật sang Việt Nam là đến thẳng Cây Sơn để vẽ.

Một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Nhật đang muốn hợp tác với Saeko trong việc nâng cấp kỹ thuật sản xuất sơn của Việt Nam, để xuất hàng sang Nhật. Còn dự án riêng của bà chủ Cây Sơn trong năm mới là cố gắng làm một triển lãm cá nhân tại Nhật.

Tình hình này một lúc nào đó chính người Việt sẽ phải học người Nhật về kỹ thuật sơn mài Việt Nam? “Thực ra, ngày xưa đã có nhóm thợ Việt Nam sang Nhật học kỹ thuật sơn mài”- Saeko cung cấp thông tin “nóng hổi”.

Khoảng những năm 1930, sau khi Đại học Mỹ thuật Đông Dương thành lập, một nhóm người Việt Nam đã sang Nhật để trao đổi kỹ thuật sơn mài. Một Cty Nhật từng nhập khẩu sơn Việt Nam từ thời sau Thế chiến I cho Saeko biết điều này. Nhờ những người như Saeko, mối duyên sơn mài Việt-Nhật càng thêm bền chặt.

MỚI - NÓNG