Ngày 15/10, với tư cách cá nhân, PGS.TS Lê Anh Vinh, một phó giáo sư về Toán học, có những phân tích về cuốn công nghệ Toán 1 của GS. Hồ Ngọc Đại. Theo PGS. Lê Anh Vinh, ông đã dành 2 tuần để tìm hiểu kỹ về sách Toán của GS. Hồ Ngọc Đại.
Với những phiên bản có trong tay, PGS. Lê Anh Vinh khẳng định, sách Toán CNGD có cách tiếp cận thống nhất, tập trung vào phát triển tư duy logic của học sinh hơn là thiên về tính toán đơn thuần. PGS. Lê Anh Vinh ví dụ, với phép tính cộng trong phạm vi 10, nếu học theo sách của GS. Hồ Ngọc Đại mà thi tính nhẩm hay làm trắc nghiệm nhanh dễ có nguy cơ thành học sinh kém. Bù lại, học sinh thấy Toán cũng vui, gắn với thực tế. PGS. Lê Anh Vinh nói: “Toán CNGD sẽ dễ nếu chỉ quan tâm đến cộng thật nhanh, thật đúng, nhưng cũng sẽ bị đánh giá là “khó” vì đòi hỏi học sinh phải tư duy, hiểu bản chất vấn đề.
CNGD luôn đề cao việc lấy học sinh làm trung tâm, thầy thiết kế, trò thi công từ vài chục năm trước. Phương pháp thật sự là thế mạnh của CNGD và được thể hiện khá rõ trong sách thiết kế. Tôi từng trao đổi với một số cán bộ Sở GD&ĐT ở các tỉnh triển khai CNGD, mọi người đều khá hài lòng và cho rằng bí quyết quan trọng nhất của CNGD chính là ở khâu đào tạo giáo viên. Rõ ràng, chỉ cần giáo viên tốt, chương trình nào, SGK nào cũng sẽ được triển khai thành công”, ông nói.
Tuy vậy, theo PGS. Lê Anh Vinh, sách CNGD cũng có những hạn chế khá rõ như cần được chú trọng hơn về mặt trình bày để hấp dẫn hơn với học sinh tiểu học, sách chưa dễ dùng để học sinh tự học. Xử lý hai hạn chế này không khó, nhưng cần đầu tư công sức và thời gian.
Cần thẩm định lại chương trình rồi mới thẩm định SGK
Nhà giáo Nguyễn Trung Chính, Hội Tâm lý giáo dục Hải Phòng vừa có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong thư, ông xin tình nguyện là “thẩm định viên” nghiệp dư để cùng hội đồng hoàn thành việc thẩm định SGK một cách khách quan, khoa học, công tâm. Trong thư, nhà giáo Nguyễn Trung Chính đưa ra 4 điều làm căn cứ cho đề xuất của mình. Trong đó, ông cho rằng, học sinh là nhân vật trung tâm là quan điểm được khởi xướng từ CNGD và nay đã phổ cập rộng rãi. Chương trình mới chắc chắn phải theo quan điểm này. SGK nên cho phép vượt sàn (tối thiểu) để chạm trần (cái tối ưu). Do đó, nên thẩm định cả bộ chương trình mới, không nên để nó trở thành rào cản của sự phát triển của trẻ em đương thời.
Mặt khác, theo nhà giáo Nguyễn Trung Chính, phải tôn trọng sự kế thừa khi thẩm định sách. Đó là ý kiến của hội đồng còn thành quả CNGD trong quá khứ đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Vậy lần này SGK mới có kế thừa những ưu việt của CNGD, có kế thừa sự đánh giá cao của các vị lãnh đạo tiền nhiệm hay không?
“Nếu quý vị không vượt qua được khó khăn lúc này, về nhận thức, về tiêu chí, thậm chí vì định kiến cá nhân hoặc lợi ích nhóm, nó làm sai lệch mục đích cao cả công tâm thì xin hội đồng hãy để cho cuộc sống tự thẩm định”, nhà giáo Nguyễn Trung Chính viết.
Trao đổi với báo chí, ông đã kể câu chuyện cách đây 29 năm khi còn là giáo viên tại Hải Phòng. Ông chính là nhân chứng của những kết quả mà CNGD mang lại. Chính vì vậy, nhà giáo Nguyễn Trung Chính khẳng định, nếu quy định cứng nhắc SGK phải khuôn đúng chương trình thì không khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo của người viết sách, là rào cản sự phát triển của học sinh. “Vậy cần thẩm định ngay chương trình rồi hãy thẩm định SGK”, ông nói.