SGK công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại có “oan”?

Các phiên bản sách công nghệ giáo dục.
Các phiên bản sách công nghệ giáo dục.
TPO - Sau 2 vòng thẩm định, 3 cuốn sách thuộc bộ sách giáo khoa công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại (Tiếng Việt 1, Toán 1 và Đạo đức 1) trong tổng số 11 bản thảo bị loại. Quyết định của hội đồng thẩm định đối với bộ sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại đến giờ vẫn chưa hết ý kiến tranh luận.

Sáng nay, 15/10, PGS. Lê Anh Vinh,  Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có những chia sẻ của mình xung quanh sách công nghệ giáo dục (CNGD) Toán 1 của GS Hồ Ngọc Đại.

Theo PGS. Lê Anh Vinh, ông đã dành 2 tuần để tìm hiểu về sách Toán công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại.

PGS. Vinh cho biết đã xem khá kĩ các cuốn sách Toán 1 CNGD từ phiên bản đầu tiên nhưng lại không có phiên bản khi nộp thẩm định nên các nhận xét của mình không phải để phản biện hay ủng hộ kết luận của hội đồng thẩm định.

Với những phiên bản có trong tay, PGS. Lê Anh Vinh khẳng định sách Toán CNGD có cách tiếp cận thống nhất, tập trung vào phát triển tư duy logic của học sinh hơn là thiên về tính toán đơn thuần.

Ví dụ cụ thể hơn một chút, muốn dạy học sinh cộng trong phạm vi 10 có hai cách.

Cách 1: Dạy học sinh về phép cộng, sau đó dạy thật kĩ cho học sinh thành thạo các phép cộng với kết quả là 3, là 4, ..., dần dần đến phép cộng với kết quả là 10. Nói theo ngôn ngữ toán học là dạy cho học sinh bảng cộng 3, 4, ..., 10.

Cách 2: Chỉ dạy học sinh hiểu về phép cộng, gắn nó với thực tiễn, rồi qua thực hành, qua ví dụ, hoạt động để học sinh thành thạo dần với phép cộng.

Giả sử có hai bạn An và Bình. An được học theo cách 1, Bình được học theo cách 2.

Về cơ bản, đến cuối cùng An và Bình đều biết cộng trong phạm vi 10.

Lúc đầu, Bình sẽ cộng chậm hơn An vì không được học bài bản từng bảng cộng. Nếu mà thi tính nhẩm hay làm trắc nghiệm nhanh, ko khéo Bình lại thành học sinh kém.

Bù lại, Bình thấy Toán cũng vui ra trò, lại còn gắn với thực tế nữa. Còn An, suốt mấy tháng, Toán đồng nghĩa với bảng cộng, bảng trừ, không khéo có khi chán luôn Toán từ đấy.
Bạn có thể chọn cách 1, còn CNGD chọn cách 2.

Một nội dung nữa mà PGS. Lê Anh Vinh đề cập đến đó là sách CNGD quá khó hay ... quá dễ? "CNGD sẽ là “dễ” nếu như chỉ quan tâm đến cộng thật nhanh, thật đúng, nhưng cũng sẽ bị đánh giá là “khó” vì đòi hỏi học sinh phải tư duy, phải hiểu bản chất vấn đề",PGS. Lê Anh Vinh nhận xét.

Vậy “Bí mật” của CNGD là gì?

PGS. Lê Anh Vinh cho rằng CNGD luôn đề cao việc lấy học sinh làm trung tâm, thầy thiết kế, trò thi công từ vài chục năm trước. Phương pháp thật sự là thế mạnh của CNGD và được thể hiện khá rõ trong sách Thiết kế.

PGS. Vinh cho biết đã từng trao đổi với một số cán bộ Sở GD&ĐT ở các tỉnh triển khai CNGD, mọi người đều khá hài lòng và cho rằng “bí quyết” quan trọng nhất của CNGD chính là ở khâu đào tạo giáo viên. “Rõ ràng, chỉ cần giáo viên tốt, chương trình nào, SGK nào cũng sẽ được triển khai thành công” – PGS. Lê Anh Vinh nói.

Không nên “đồng bộ hóa” các bộ SGK

Tuy vậy, theo PGS. Lê Anh Vinh, sách CNGD cũng có những hạn chế khá rõ. Như sách cần được chú trọng hơn về mặt trình bày để hấp dẫn hơn với học sinh tiểu học; Sách chưa dễ dùng để học sinh tự học; Xử lý hai hạn chế này không khó, nhưng cần đầu tư công sức và thời gian.

Quan điểm chung về SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS. Lê Anh Vinh cho rằng trong công cuộc đổi mới lần này, với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách thì SGK không còn quá quan trọng nữa mà yếu tố quan trọng nhất chính là các thầy cô.

Nếu giáo viên có đủ năng lực thì SGK chỉ là tài liệu tham khảo, các thầy cô có thể tự chuẩn bị tài liệu dạy học của mình, miễn là đáp ứng được các yêu cầu cần đạt của chương trình.

Vì vậy, dù cũng là chủ biên một cuốn Toán 1 viết theo chương trình mới, tôi thực sự mong rằng các cuốn sách giáo khoa sẽ không còn bị “quan trọng hoá” trong thời gian tới.

“Chúng ta chỉ cần xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình một cách rõ ràng, cụ thể, để giáo viên, nhà trường có thể dựa vào đó mà giảng dạy và đánh giá học sinh, chứ không cần và không nên “đồng bộ hoá” các cuốn sách giáo khoa khác nhau” - PGS. Lê Anh Vinh thông tin.

Một chuyên gia giáo dục thì cho rằng nếu mang thông tư 33 của Bộ GD&ĐT ra thì sách của Mỹ, của Hàn, của Singapore cũng đều "trượt" hết ở vòng thẩm định.

MỚI - NÓNG