Vì đâu nên nỗi?
Khoảng 10h ngày 3/10, người thân phát hiện cô Nguyễn Thị Thanh treo cổ tại nhà riêng, gia đình đưa tới Trung tâm y tế cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong. Trong ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ hẻm khối 1, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, đã nhiều ngày trôi qua nhưng không khí vẫn nặng trĩu tang thương.
Được biết, cô Nguyễn Thị Thanh và anh Nguyễn Thanh Huệ (SN 1979) lấy nhau vào năm 1998. Cô Thanh lúc đó mới theo nghiệp giáo viên, chồng làm nghề xe ôm. Do thường xuyên công tác ở các trường xa nhà nên con cái đều phải nhờ chồng và ông bà ngoại chăm sóc.
Nhắc đến mẹ, em Nguyễn Trung Hiếu, con trai cả của cô Thanh nghẹn ngào: "Em còn nhớ, hồi em đang học cấp 3, mấy đêm liền thấy mẹ em thức trắng để soạn bài, sáng sớm đã vội vàng đến trường. Em hỏi sao mẹ không nghỉ ngơi, cứ thức thâu đêm vậy làm sao có sức khỏe để công tác.
Lúc đó, mẹ nói phải làm cho xong việc ở trường, việc cơ quan. Tuy bận rộn công việc nhưng lúc nào mẹ cũng dành thời gian chăm lo, răn dạy anh em em sống tốt. Vậy mà mẹ lại bỏ bố con em mà đi”. Đồng nghiệp cho biết, ở trường, cô Thanh là một người yêu nghề, nhiệt huyết và rất gần gũi, luôn quan tâm tới mọi người, là thủ lĩnh trong mọi phong trào và thường tham gia hiến máu tình nguyện.
Ai phải chịu trách nhiệm
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Ngô Đức Thuận ký quyết định về việc công nhận kết quả xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS năm học 2018 – 2019. Trong quyết định này, cô Nguyễn Thị Thanh được xếp loại ‘‘Hoàn thành nhiệm vụ’’ nhưng ‘‘hạn chế năng lực’’. Không thỏa mãn việc xếp loại trên, cô Thanh đã làm đơn kiến nghị gửi UBND huyện, các phòng ban. Tuy nhiên, đơn không được chấp thuận. Cô tiếp tục làm lá đơn thứ 2.
Ngày 19/7, một cuộc họp được tổ chức tại hội trường Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu với nội dung công bố phương án thuyên chuyển giáo viên, nhân viên, dự kiến phương án cán bộ quản lý.
Trong cuộc họp, danh sách xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ quản lý các trường học được đưa ra thảo luận. Cô Nguyễn Thị Thanh có tên trong danh sách đề nghị xem xét miễn nhiệm vì hai năm xếp loại ‘‘Hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế năng lực’’.
Tại đây, ngoài ý kiến về việc không được thông báo, làm tư tưởng trước thì cô Thanh cho rằng: “Bản thân tôi bị miễn nhiệm chưa có sức thuyết phục, chưa công bằng”. Cô Thanh lấy dẫn chứng một phó hiệu trường 2 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được mời lên làm công tác tư tưởng và tạo cơ hội, chuyển sang trường khác làm phó hiệu trưởng; một hiệu trưởng bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn được làm hiệu trưởng.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định cuộc họp có vấn đề chưa đúng, vì khi công bố xếp loại để miễn nhiệm ai là phải mời người đó đến trước làm tư tưởng. “Tôi đã đề nghị Phòng GD tổ chức gặp lại để xin lỗi cô Thanh. Việc miễn nhiệm, bổ nhiệm là trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền chứ không thuộc Phòng GD”, vị chủ tịch này nói.
Cũng theo ông Ngô Đức Thuận: “Ủy ban huyện chưa thực hiện gì cả, đương nhiên cô Thanh vẫn là hiệu trưởng”. Thế nhưng, vào ngày 1/10, phía phòng GD đã vào trường mầm non Châu Phong để bỏ phiếu tín nhiệm. Tại đây, phòng GD chỉ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm mỗi bà Nguyễn Thị Tiếp đang công tác ở trường khác, người được dự tính sẽ kế nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường mầm non Châu Phong.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Qùy Châu, bà Nguyễn Thị Châu cho biết, cuộc họp ngày 19/7 là do UBND huyện tổ chức và ông Lê Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì. “Phòng thừa nhận thiếu sót là khi chưa nói chuyện, làm công tác tư tưởng với cô Thanh mà đã đưa ra bảng tổng hợp danh sách xem xét miễn nhiệm.
Thời gian quá gấp, ngày 17/7 phòng nhận được giấy mời của huyện, ngày 19/7 huyện đã tổ chức họp nên phòng chưa kịp làm gì. Trong 3 năm, kể từ khi tôi lên trưởng phòng thì đây là năm đầu tiên có trường hợp bị đưa vào danh sách xem xét miễn nhiệm vì kết quả xếp loại cuối năm”, bà Châu nói.