Sa thải người lao động vì dám... tố cáo thủ trưởng?!

Sa thải người lao động vì dám... tố cáo thủ trưởng?!
TP - Điện lực Kon Tum có quy định: Ai tố cáo “sai sự thật” sẽ bị sa thải. Người ta họp thống nhất sa thải người tố cáo ngay khi đơn tố cáo chưa được cấp có thẩm quyền kết luận.
Sa thải người lao động vì dám... tố cáo thủ trưởng?! ảnh 1 Sa thải người lao động vì dám... tố cáo thủ trưởng?! ảnh 2
Ông Sỹ cùng vợ và hai đứa con đang xem lại hồ sơ, tài liệu, để trình bày nỗi khổ với PV Tiền phong Trụ sở Điện lực Kon Tum - nơi ông Sỹ công tác

Người lao động buộc phải khởi kiện ra toà, song con đường tìm đến công lý nghe chừng còn lắm thác ghềnh, nhiều trắc trở...

Điện lực Kon Tum (ĐLKT) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Cty Điện lực 3 - TCty điện lực Việt Nam, Giám đốc là ông Trần Suyền. Những năm gần đây, từ khi ông Suyền ngồi ghế lãnh đạo, nội bộ ĐLKT xuất hiện nhiều đơn tố cáo, trong đó có đơn của ông Võ Văn Sỹ - cán bộ Phòng Tổ chức hành chính.

Đơn của ông Sỹ được gửi đến Giám đốc Cty Điện lực 3 đầu năm 2005, “tố” rằng theo yêu cầu của lãnh đạo ĐLKT, ông Sỹ có mời cơm một đoàn khách, sau đó không được thanh toán, trái lại, còn bị cắt thưởng và hạ bậc đảng viên.

Đi sâu mới thấy chuyện trên thật trái khoáy. Hôm ấy Chủ nhật 26/9/2004, ông Sỹ (lúc này là Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính) đang ở nhà thì ông Chủ tịch Công đoàn ĐLKT gọi điện đến, báo có đoàn khách Điện lực TP HCM sắp ghé thăm, đề nghị ông Sỹ báo cáo lãnh đạo bố trí tiếp đoàn.

Giám đốc Suyền đi vắng, ông Sỹ gọi điện xin ý kiến ông Thành - Phó giám đốc, được chỉ đạo mời khách dùng cơm tại nhà hàng Ngân Hà. Bữa cơm đó ông Thành và một số Trưởng, Phó phòng ban ĐLKT cùng dự. Hoá đơn ghi 1.963.000đ (chưa đến hai triệu đồng), ông Sỹ ứng tiền trả.

Cuối năm 2004, ông Sỹ viết giấy đề nghị thanh toán, kèm hoá đơn nhà hàng Ngân Hà, gửi lên Giám đốc ĐLKT. Ông Suyền bút phê: “Không thanh toán vì đoàn khách này không phải của ĐLKT”.

Trong đơn, ông Sỹ đề nghị Giám đốc Cty Điện lực 3 buộc ông Suyền phải thanh toán cho ông số tiền trên, vì hôm đó ông tiếp khách theo chỉ đạo của cấp trên, nếu có sai phạm thì người chịu trách nhiệm không thể là ông Sỹ.

“Đấu tranh - tránh đâu”?!

Nhiều người trong ĐLKT đều hiểu, chuyện bữa cơm “nhỏ như con thỏ”, chỉ là giọt nước tràn ly để ông Sỹ “xả e” những uất ức tích tụ lâu nay đối với ông Giám đốc Suyền mà thôi. Và người ta e ngại cho ông Sỹ “đem trứng chọi đá”...

Một tháng sau khi gửi đơn, ông Sỹ có tiếp lá đơn nữa (đề ngày 23/2/2005). Ngoài chuyện “tiếp khách” ở trên, ông Sỹ tố cáo thêm hai việc. Thứ nhất, đầu tháng 9/2003, ông Suyền đã chỉ đạo hạ bậc lương ông Sỹ từ hệ số 2,26 xuống 2,02 trong khi ông Sỹ không vi phạm kỷ luật.

Thứ hai, ông Suyền chỉ đạo cắt thưởng vận hành an toàn quý II/2004 của ông Sỹ, lý do “tiết lộ thông tin bí mật” vì ông Suyền cho rằng ông Sỹ đã cung cấp số hợp đồng lao động cho một công nhân bị nghỉ việc.

“Tôi làm đơn này kính gửi quý cấp, đề nghị giải quyết dứt điểm, không để tình trạng trù dập xảy ra ở ĐLKT nữa, có biện pháp bảo vệ quyền lợi vật chất, tinh thần và danh dự cho tôi”. Lá đơn thứ hai này ông Sỹ gửi TCty Điện lực Việt Nam, Liên đoàn lao động và Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum.

Chuyện “đấu tranh - tránh đâu” xem ra rất... nghiệm đối với ông Sỹ. Ngày 15/3/2005, các nơi nhận đơn chưa có hồi âm, ông Sỹ đã nhận được “Quyết định của Giám đốc ĐLKT”, cho ông Sỹ... thôi giữ chức Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính. Lý do được ghi đơn giản “xét tình hình thực tế và theo đề nghị của ông Trưởng phòng Tổ chức hành chính”.

Thế rồi lần lượt những nơi ông Sỹ gửi đơn đều có hồi âm cho ông. Đáng buồn là hầu như không nơi nào kết luận ông Sỹ đúng.

Đầu tiên, Liên đoàn lao động tỉnh Kon Tum có bản Kết luận đề ngày 28/3/2005, khẳng định việc ông Suyền ký các Quyết định điều chỉnh lương và cho ông Sỹ thôi giữ chức Phó trưởng phòng là “phù hợp với nhiệm vụ thực tế của ông Võ Văn Sỹ, theo đúng quy định pháp luật”.

Tiếp đến, Cty Điện lực 3 có Quyết định đề ngày 16/5/2005, bác bỏ toàn bộ nội dung đơn tố cáo của ông Sỹ đồng thời khẳng định ông Sỹ đã “lợi dụng việc khiếu nại tố cáo để xuyên tạc, gây rối nội bộ và cố ý tố cáo sai sự thật”, yêu cầu ĐLKT phải xử lý kỷ luật ông Sỹ vì những hành vi sai trái này.

Nhận được các văn bản trên, ông Sỹ làm đơn khiếu nại. Khiếu nại tiếp theo của ông Sỹ chưa được trả lời thì ngày 15/9/2005, ĐLKT đã kịp họp Hội đồng kỷ luật, thống nhất xử lý ông Sỹ với hình thức “sa thải”...

Do có chỉ đạo của Cty Điện lực 3, ĐLKT đã huỷ cuộc họp kỷ luật ngày 15/9/2005, để họp lại vào ngày 1/12/2005. Cuộc họp này cũng đi đến thống nhất là phải “sa thải” ông Sỹ. Cùng ngày, ông Phó giám đốc Ngô Lê Thành của ĐLKT đã ký Quyết định số 2203/QĐ-DKT-3, sa thải ông Sỹ khỏi ĐLKT.

Gập ghềnh đường công lý

Khỏi nói nhiều đến nỗi buồn tủi của ông Sỹ khi nhận được quyết định “sa thải”, cũng như nỗi khổ cực của những “suất ăn theo” trong gia đình ông. Ông Sỹ đem cầm ngôi nhà đang ở, lấy tiền thuê cửa hàng cho vợ buôn bán đồ điện. Ông Sỹ tranh thủ lúc thư rỗi ngồi thảo đơn khởi kiện ra Toà lao động.

Thiếu tiền thuê luật sư tư vấn, ông Sỹ nhận định đơn giản rằng ĐLKT sa thải ông trái luật nên khởi kiện ĐLKT.

TAND TX Kon Tum thụ lý đơn kiện, chờ đến ngày mở toà mới kết luận: ĐLKT chỉ là đơn vị phụ thuộc, việc sa thải ông Sỹ thuộc thẩm quyền của Cty Điện lực 3; ông Sỹ khởi kiện ĐLKT là sai đối tượng, vì vậy Toà tuyên “bác đơn khởi kiện” của ông Sỹ.

Ông Sỹ chống án, TAND tỉnh Kon Tum đã thụ lý hồ sơ, bấy giờ mới có người tư vấn cần rút đơn để khởi một vụ kiện mới, đỡ mất thời gian, ông Sỹ nghe theo...

TAND TX Kon Tum mở tòa lần hai xét xử vụ kiện của ông Sỹ ngày 18/1/2007. Bản án sơ thẩm do thẩm phán Phạm Thị Nga ký nhận định: xét cả hình thức, nội dung, Quyết định sa thải ông Sỹ do ông Ngô Lê Thành - Phó giám đốc ĐLKT - ký hoàn toàn đúng các quy định của Bộ luật Lao động, Nội quy lao động của ĐLKT, Giấy ủy quyền của Giám đốc Cty Điện lực 3. Vì vậy, HĐXX “không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Võ Văn Sỹ”.

Ông Sỹ chống án. Ngày 17/5/2007, TAND tỉnh Kon Tum đã mở phiên tòa phúc thẩm, bản án do thẩm phán Nguyễn Minh Thành ký đã bác đơn kháng cáo của ông Sỹ và giữ nguyên án sơ thẩm.

Khỏi nói nhiều đến những những nỗi buồn tủi cũng như những vất vả, tốn kém của quá trình vừa thất nghiệp vừa hầu toà của ông Sỹ... Niềm hy vọng cuối cùng được đặt vào TANDTC, ông Sỹ làm đơn khiếu nại, xin được xử giám đốc thẩm vụ kiện của mình.

Và thật may mắn cho ông Sỹ, Chánh án TANDTC có Quyết định kháng nghị bản án của TAND tỉnh Kon Tum, kháng nghị này nhận được quan điểm đồng thuận của Viện KSNDTC. Ngày 23/5/2008, Tòa Lao động TANDTC đã họp phiên giám đốc thẩm vụ kiện của ông Sỹ.

HĐXX giám đốc thẩm nhận định, về thẩm quyền, Giám đốc Cty Điện lực 3 chỉ ủy quyền cho ông Ngô Lê Thành - Phó giám đốc ĐLKT chủ trì họp xét kỷ luật ông Sỹ, không ủy quyền cho ông Thành ký Quyết định sa thải ông Sỹ.

Văn bản này cũng nhận định giả sử ông Thành có được ủy quyền về việc đó, thì việc ủy quyền như vậy cũng trái với quy định của Bộ luật Lao động.

Về căn cứ để sa thải ông Sỹ, HĐXX giám đốc thẩm khẳng định Bộ luật Lao động không có quy định cho phép người sử dụng lao động được sa thải người lao động với lý do tố cáo sai sự thật.

“Áp dụng các quy định pháp luật lao động và căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì hành vi khiếu nại, tố cáo của ông Sỹ đối với ông Suyền không thuộc quan hệ lao động, không phải hành vi vi phạm kỷ luật lao động”.

Với các nhận định trên, HĐXX giám đốc thẩm đã tuyên huỷ hai bản án của TAND TX và tỉnh Kon Tum, giao hồ sơ cho TAND TX Kon Tum xét xử lại.

Từ việc xử lý khiếu nại chưa thỏa đáng...

Vụ kiện của ông Sỹ trở lại vòng quay tố tụng mới, TAND TX Kon Tum đang hòa giải trước khi mở tòa xét xử. Được biết Cty Điện lực 3 mới có văn bản gửi Tòa, cho biết “những năm qua Cty Điện lực 3 có hàng trăm CNVC bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải nhưng Cty không trực tiếp xử lý trường hợp nào mà ủy quyền cho Giám đốc đơn vị quyết định”.

Việc ĐLKT ra Quyết định sa thải ông Sỹ đúng sai ra sao, phải chờ một bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng có nhiều điều xung quanh chuyện này đã có thể nói có thể bàn ngay từ bây giờ.

Trước hết, tinh thần thượng tôn pháp luật (trong đó có Bộ luật Lao động) của nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa cao. Điều này thể hiện rõ qua việc ĐLKT có bản Nội quy lao động quy định người lao động “tố cáo sai sự thật” sẽ bị sa thải, trái với quy định của Bộ luật Lao động.

Rồi việc ông Sỹ (và hàng trăm người lao động khác ở Cty Điện lực 3) bị sa thải theo những quyết định không do Giám đốc Cty Điện lực 3 mà do người được ủy quyền ký, cũng là trái quy định của Bộ luật lao động (Mục 4, Điều 1, Nghị định 33/2003/NĐ-CP ngày 2/4/2003 của Chính phủ ghi rõ Người có thẩm quyền xử lý vi phạm kỷ luật lao động, kể cả tạm đình chỉ công việc là người sử dụng lao động; người được người sử dụng lao động ủy quyền chỉ được xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách; các hình thức kỷ luật khác chỉ được ủy quyền khi người sử dụng lao động đi vắng và phải bằng văn bản).

Đáng bàn nhất trong việc ĐLKT sa thải ông Sỹ là việc xử lý khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan - trước hết là Cty Điện lực 3 - chưa thỏa đáng. Điển hình là việc ông Sỹ tố cáo ông Suyền không thanh toán tiền tiếp khách, lấy lý do Giám đốc Cty Điện lực 3 đã chỉ đạo ông Suyền chi số tiền này, Đoàn thanh tra Cty Điện lực 3 kết luận: “Sự việc phát sinh ban đầu là có thật, nhưng ông Sỹ không thực hiện quyền khiếu nại của mình theo đúng quy định, mà cố tình gán việc làm đó vào hành vi trù dập của ông Suyền để tố cáo ông Suyền”.

Dễ thấy nhận định như vậy là không thỏa đáng, bởi cho dù ông Suyền đã chi trả tiền cho ông Sỹ, thì hành vi từ chối thanh toán trước đó khó có thể nói là không mang dấu hiệu trù dập người lao động.

Phạm vi bài viết này không cho phép phân tích hết đúng sai trong các vấn đề ông Sỹ tố cáo cũng như kết luận của Đoàn thanh tra Cty Điện lực 3. Tuy nhiên, chỉ với những phân tích trên đây cũng đủ cho thấy sự thiếu khách quan của Đoàn thanh tra Công ty Điện lực 3, và tương tự là của nhiều cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Kon Tum.

Nhiều người cho rằng, nếu từ đầu Cty Điện lực 3 giải quyết khiếu nại - tố cáo của ông Sỹ có lý, có tình, điều gì người lao động tố cáo đúng thì phải bảo vệ họ, điều gì họ nhận thức chưa đúng (có thể do uất ức, nóng vội) thì chỉ bảo cho họ rõ, sự việc đã không bị đẩy đi xa tới mức người lao động bị sa thải, còn doanh nghiệp phải ra hầu toà.

Tiếc rằng Cty Điện lực 3 không giải quyết như vậy, thay vào đó lại vội vã chụp cho người lao động cái mũ “tố cáo sai sự thật”, rồi lại lấy cớ này để sa thải họ. May mà Bộ luật Lao động lại không cho phép sa thải người lao động với lý do kiểu này...

MỚI - NÓNG