Quốc hội thảo luận nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ:

Rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Như Ý
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 29/3, Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm khi đẩy mạnh được cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua rất nhiều sóng gió và đầy cảm xúc. “Nếu con tàu vượt qua bão tố là hiện tượng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV thì đại dịch COVID có thể được coi như bài kiểm tra cuối nhiệm kỳ”, đại biểu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nói.

Theo ông Tuấn, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng, dứt khoát, kịp thời, quyết liệt, chủ động, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những biện pháp đồng bộ, linh hoạt. “Điều đó đã khơi dậy được ý thức dân tộc, sức mạnh đoàn kết của mỗi người dân, thúc đẩy hành động tập thể và có trách nhiệm để cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng chống dịch. Điều này là một minh chứng hùng hồn cho câu ca dao: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.

Đề cập đến hai chữ “nhân hòa”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, năm 2020, Việt Nam không gặp “thiên thời, địa lợi” mà chỉ có nhân hòa tỏa sáng. Chính sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý đã trở thành cứu cánh, sức mạnh nội sinh để nước ta vượt qua thách thức. “Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa là “kiến trúc sư”, vừa là “nhạc trưởng” của mối quan hệ nhân hòa đó”, ông Lộc đánh giá.

Theo ông Lộc, chống tham nhũng là cuộc chiến sinh tử của Đảng ta để bảo vệ chính mình, giữ lại niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ và tạo ra những động lực mới cho sự nghiệp phát triển nước nhà. Đó là những điểm sáng nhiệm kỳ gắn liền với vai trò “đứng mũi, chịu sào” của người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Thêm vào đó, nhiệm kỳ này đã ghi dấu ấn, “được mùa” đối ngoại và hội nhập đỉnh cao, thể hiện bản lĩnh, ý chí, quyết tâm chính trị trong việc đón bắt xu thế thời đại. Chúng ta thực hiện “mục tiêu kép”, vừa mở rộng hội nhập sâu rộng, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc. Cách ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy đối thoại, thuyết phục làm trọng, hóa giải những bất đồng, xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông, giữ được bình yên để xây dựng nước nhà...

“Lợi ích làm mờ mắt”

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ sự lo lắng trước sự xuống cấp đạo đức, văn hóa thời gian qua. Nhắc đến công tác phòng, chống tham nhũng, bà Nga nhấn mạnh, thời gian qua các cơ quan chức năng đã xét xử rất nhiều vụ án, trong đó có những đại án mà người vi phạm là những người giữ các chức vụ cao.

Những người này, theo bà Nga, vi phạm pháp luật không phải vì thiếu hiểu biết mà ngược lại rất am hiểu nhưng bị lợi ích làm mờ mắt, để rồi chà đạp lên luật pháp nhằm thu lời bất chính. “Xã hội đồng tình với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tham ô, tham nhũng nhưng cũng thật đau xót khi niềm tin của nhân dân bị một số quan chức biến chất làm xói mòn, lung lay. Hậu quả của sự xói mòn niềm tin này còn lớn hơn nhiều so với thiệt hại về kinh tế”, bà Nga bày tỏ.

Bày tỏ ấn tượng về một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt và phục vụ nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) khẳng định, việc này đã làm chuyển động bộ máy.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, sự chuyển động chưa vững chắc, chưa đồng bộ, chưa khắc phục triệt để những bất cập, khi đâu đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” và vẫn còn cơ chế “xin - cho”, “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng chính sách”.

Theo bà Hoa, xây dựng Chính phủ liêm chính chính là quan điểm lấy dân làm gốc. Song trên thực tế chất lượng dịch vụ công vẫn còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức vì lợi ích cá nhân chi phối không phục vụ dân; một số cơ quan hành chính Nhà nước còn “hành dân là chính”, nạn “tham nhũng vặt” làm xấu hình ảnh công chức.

Từ những phân tích trên, bà Hoa đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới phải tập trung xây dựng bộ máy công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao, không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”.

Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho rằng, người dân còn quan tâm, lo lắng về những tồn tại, hạn chế kéo dài qua nhiều năm, thậm chí qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chậm được chấn chỉnh, khắc phục. Đó là việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ hạn chế, ngại va chạm, thậm chí còn đó một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm.

“Xin đừng xem trách nhiệm là trái bóng”

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt niềm tin vào Chính phủ nhiệm kỳ tới về công tác giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em, của người học. Theo đại biểu, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa trong năm vừa qua là một câu chuyện “cay đắng rất đáng phải quên đi, nhưng đó lại là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách”.

Trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai chưa được rõ ràng, minh bạch thì đến những ngày gần đây, dư luận lại có thêm những bức xúc mới, lo lắng mới liên quan đến sự hợp nhất không rõ ràng của 2 bộ sách giáo khoa, về sự nhập nhằng trong giá sách.

“Để có niềm tin, chúng ta có quyền đặt câu hỏi nghi vấn hướng đến sự minh bạch. Quốc hội chất vấn thì bộ trưởng, Chính phủ trả lời. Trả lời nghĩa là nói, nói phải đi đôi với làm. Xin đừng để cử tri chờ quá lâu, chờ miệt mài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác... Xin đừng xem trách nhiệm là trái bóng và xử lý trách nhiệm như trận đấu bóng không hồi kết”, đại biểu Hiền nêu.

Tỏa sáng tinh thần đoàn kết

Viện dẫn câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đại biểu Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, trong muôn vàn khó khăn, thách thức, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh vượt khó của con người Việt Nam, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ được khẳng định, phát huy và tỏa sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

“Thành quả to lớn này là kết quả của một quá trình học tập, lao động chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu và kể cả tính mạng của cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Thành quả này không một ai có thể phủ nhận, không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, bôi nhọ”, ông Học cho hay.

Đề cập đến vấn đề đạo đức xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) viện dẫn theo báo cáo, các vấn đề đạo đức xã hội, phạm pháp, càng ngày càng tăng khiến cử tri lo lắng với câu hỏi, xã hội ngày nay có bất ổn hay không? Kinh tế phát triển, đạo đức suy đồi, phải chăng nghiệp vụ điều tra của chúng ta tốt hơn, nên phát hiện nhiều vụ việc hơn mà trước đây bỏ sót? Phải chăng khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng khiến cho nhiều người bị dồn đến đường cùng, phải vi phạm pháp luật?...

“Theo tôi, lý do chủ yếu là chúng ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là giáo viên trẻ. Giáo dục - lĩnh vực mà chúng ta luôn nói “hàng đầu” nhưng kết quả giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới tập trung hơn nữa cho giáo dục, tập trung an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe”, đại biểu Hiếu kiến nghị.

MỚI - NÓNG