Rút BHXH một lần: Giải quyết nhu cầu trước mắt, người lao động gặp khó khăn khi về già

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã từng rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, giờ nhiều người ở tuổi “xế chiều” tiếc và muốn hoàn lại để có lương hưu, nhưng không được. Không có lương hưu, nhiều người dù quá tuổi lao động (LĐ) vẫn phải kiếm sống và phụ thuộc vào con cháu. Dù vậy, thực tế vẫn có nhiều người trẻ, trong tuổi LĐ vẫn rút BHXH một lần, tự mình đánh mất “của để dành” quý giá để sống an vui trong tương lai.

Tiếc vì từng rút BHXH một lần

Nhiều năm nay, ngày nào cũng vậy, trong khi mọi người còn đang say giấc nồng thì cô Hoàng Thị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải dậy để kịp đồ xôi mang ra chợ bán. Ở tuổi 60, không có lương hưu, không có trợ cấp, mọi khoản chi tiêu, cô Lan đều trông chờ vào nghề bán xôi này. Trước đây, cô từng có thời gian làm công nhân rồi chọn nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần). Khoản tiền mấy chục triệu cô nhận về khi đấy chỉ đủ để mua bộ bàn ghế và một chiếc xe đạp cho gia đình. Kể về cảnh chật vật mưu sinh, cô Lan tiếc cho thời gian đã từng đóng BHXH trước đây của mình. “Giờ tuổi cao, đáng lẽ được nghỉ hưu an nhàn thì ngày ngày tôi vẫn phải lo làm kiếm sống. Lúc khoẻ đã vậy, chỉ sợ lúc ốm đau lại không có đồng ra đồng vào. Nhìn sang bà hàng xóm lĩnh lương hưu hằng tháng mà mình lại mong, giá như hồi đó nghĩ xa, không lựa chọn rút trợ cấp một lần, nay đã nhàn”, cô Lan nói, rồi thở dài.

Rút BHXH một lần: Giải quyết nhu cầu trước mắt, người lao động gặp khó khăn khi về già ảnh 1

Rút BHXH một lần, người lao động đã tự tước bỏ quyền có lương hưu khi về già. (Ảnh minh họa)

Chung nỗi niềm với cô Lan, chị Bùi Thị Hạt (tỉnh Nam Định) từng làm cho một công ty may trong miền Nam và đóng BHXH được 9 năm 7 tháng. Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, chị Hạt phải nghỉ việc, chồng chị cũng mất việc sau đó. Hai vợ chồng trở về quê làm công việc tự do. Đến giữa năm ngoái, chị Hạt làm thủ tục rút BHXH một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống. Chị Hạt giãi bày: “Khoản tiền đó qua mấy tháng dịch bệnh thì cũng hết. Giờ thấy bố mẹ già vẫn phải bươn chải nhiều nghề, không có lương hưu, không có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, chị mới cảm thấy hối tiếc, muốn đóng lại khoản tiền BHXH đã rút mà không được chấp nhận bởi quy định của pháp luật. Vợ chồng chị dự định, tháng tới, sẽ nộp đơn xin tuyển dụng vào làm công nhân ở công ty gần nhà, để lại được tham gia BHXH”.

BHXH Việt Nam cho biết, thực tế, có rất nhiều trường hợp sau thời gian nhận BHXH một lần đã tới cơ quan BHXH xin được trả lại để đóng tiếp. Tuy nhiên, quy định hiện hành không cho phép thực hiện như vậy. BHXH Việt Nam khuyến cáo, người LĐ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già và được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe.

Tự cắt quyền an sinh cơ bản

Mất việc sau dịch COVID-19, kinh tế gia đình khó khăn khiến một số LĐ lựa chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống trước mắt, hoặc có một khoản “tiền tươi”. Với nhiều người, số tiền rút BHXH một lần có thể “ra tấm, ra món”, nhưng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và lại tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người LĐ, còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Khi chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người LĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Không chỉ mất cơ hội nhận lương hưu hằng tháng, khi lương hưu được điều chỉnh tăng. Từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh. Người LĐ khi về già cũng không được nhận thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe tuổi già. Trường hợp không may chết, thân nhân cũng mất cơ hội nhận các chế độ tử tuất. Bởi, nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở, thân nhân sống phụ thuộc được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.

Ngoài ra, số tiền nhận BHXH một lần cũng thấp hơn so với tiền đóng. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người LĐ. Trong đó, người LĐ đóng 8% và người sử dụng LĐ đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần, mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng lương tính đóng cho thời gian đóng trước năm 2014, và bằng 2 tháng lương tính đóng cho giai đoạn sau năm 20214. Như vậy, người LĐ mất xấp xỉ 1 tháng lương cho mỗi năm đóng khi hưởng BHXH một lần.

Do đó, các chuyên gia an sinh và lao động đều cho rằng, mất việc làm, người LĐ nên bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục đóng khi có việc làm. Trong thời điểm mất việc, người LĐ có thể nhận trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian bảo lưu đóng BHXH, nếu người LĐ không may chết, thân nhân vẫn nhận được các chế độ mai táng phí, tiền tuất.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.