Trong những năm gần đây, phong trào chạy bộ đang ngày càng phát triển, các cuộc thi marathon được tổ chức nhiều hơn. Chạy bộ không còn là môn thể thao dành cho vận động viên chuyên nghiệp mà dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, công việc hay giới tính bởi chạy bộ đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia.
Theo xu hướng phát triển của phong trào chạy bộ, Tiền Phong Marathon từ năm 2017 đã mở cửa cho vận động viên (VĐV) phong trào đăng ký tham gia, trở thành giải đấu đầu tiên của điền kinh Việt Nam cho phép các VĐV phong trào tranh đua với VĐV chuyên nghiệp trên một đường chạy.
Tham dự Tiền Phong Marathon ba mùa giải liên tiếp gần đây, chị Đỗ Thuý (sinh năm 1982), một thành viên của Hải Phòng Runners (HPR) đã có những trải nghiệm và kỷ niệm không thể nào quên với giải chạy vô địch quốc gia do báo Tiền Phong tổ chức.
“Tôi được biết Tiền Phong Marathon là một trong giải đấu trong hệ thống giải của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam mà dành cho các VĐV chuyên nghiệp. Lúc đầu, tôi nghe hơi choáng vì nghĩ mình không đủ tầm để tham gia. Sau đó, khi mọi người rủ nhau tham dự Tiền Phong Marathon ở Lý Sơn kết hợp đi du lịch, rồi nghe nói giải sẽ tổ chức mỗi năm sẽ ở các nơi khác nhau để phát triển du lịch địa phương, nhất là những vùng đất còn hoang sơ nên tôi rất hào hứng và tìm kiếm một chiếc BIB đi Lý Sơn. Tiền Phong Marathon đã đưa tôi, 'như một cái duyên', đến trải nghiệm những vùng đất mới tại những nơi chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể đặt chân tới”, chị Đỗ Thuý chia sẻ về ấn tượng đối với giải chạy do báo Tiền Phong tổ chức.
Chị Đỗ Thuý và các thành viên HPR tập luyện ở khu vực Hồ Tam Bạc (Hải Phòng) |
Chị Đỗ Thuý nhớ lại kỷ niệm đẹp nhất của chị đối với giải, cũng chính là giải chạy đầu tiên của chị ở Lý Sơn. “Tiền Phong Marathon ở Lý Sơn là nơi mà tình người, tình đồng đội được đẩy lên cao trào. Lúc đó, do sức khoẻ không tốt, tôi chỉ tham gia chạy cự ly bán marathon, cũng vừa đi bộ vừa chạy dưới cái nắng, cái gió và đường bê tông của hòn đảo Lý Sơn. Năm đó, có khá nhiều VĐV không hoàn thành đường đua và trên đường chạy tôi đã chứng kiến VĐV đội tuyển điền kinh Việt Nam Phạm Thị Hồng Lệ bị chuột rút khi em chạy 42km gần vị trí của tôi. Hai chị em đã đưa nhau về đích khoảng gần chục km trong nhiều cảm xúc hỗn độn của cả người bị chấn thương và người giúp đỡ. Tôi học hỏi được từ các VĐV chuyên nghiệp quá nhiều bài học về tính kỷ luật và về cuộc sống ngoài chạy của các bạn ấy, thực sự rất nể phục”, chị Đỗ Thuý kể với PV Tiền Phong.
Sau khi tham gia giải chạy ở Lý Sơn, chị Thuý đánh giá cao khâu tổ chức giải của Tiền Phong Marathon. Ban tổ chức hỗ trợ cho VĐV rất chi tiết, tỉ mỉ, tạo điều kiện hết mức cho VĐV tham gia giải, từ chỗ ăn chỗ ở, đi lại, khâu tổ chức, support... Đó là lý do chị đã gắn bó 3 mùa liên tiếp với Tiền Phong Marathon. Đến với giải đấu của báo Tiền Phong năm thứ tư tại Lai Châu, chị Thuý cảm thấy rất hào hứng.
“Tiền Phong Marathon tại Lai Châu là giải đầu tiên trong năm của tôi, đương nhiên sẽ mong hoàn thành cự ly 42km với thành tích tốt nhất so với thể lực hiện nay của mình, và được trải nghiệm cuộc sống của bà con nơi núi rừng Tây Bắc. Trải qua 3 lần tham dự, tôi luôn có một niềm tin với Ban tổ chức về khâu tổ chức giải, nên không quá lo lắng vì điều này. Hành trang của tôi hiện tại là giữ cho mình có một cơ thể khỏe mạnh nhất, không chấn thương, không ốm để hướng tới giải với thành tích tốt nhất”, chị Thuý chia sẻ.
Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài giải báo Tiền Phong lần thứ 64 - năm 2023 sẽ chính thức khởi tranh tại Lai Châu vào ngày 26/3 tới. Hơn 4.000 vận động viên, trong đó có 225 vận động viên chuyên nghiệp, sẽ tham gia tranh tài ở 4 cự ly thi đấu: 5km, 10km, 21,1km và 42,195km.