Rưng rưng mâm giỗ 10 năm Chan Chu

Người tóc bạc vái kẻ đầu xanh. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Chúc (81 tuổi, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cầu siêu cho con trai Phạm Văn Hoa – ngư dân thiệt mạng trong bão Chan Chu 2006. Ảnh: Thanh Trần.
Người tóc bạc vái kẻ đầu xanh. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Chúc (81 tuổi, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cầu siêu cho con trai Phạm Văn Hoa – ngư dân thiệt mạng trong bão Chan Chu 2006. Ảnh: Thanh Trần.
TPO - Xóm chài ven biển Thanh Khê (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) trưa nay (25/5) đồng loạt làm mâm cơm cúng giỗ cho những ngư dân xấu số thiệt mạng trong cơn bão Chan Chu năm 2006.

Giữa trưa nắng gắt, con hẻm nhỏ bên hông chợ hải sản Phú Lộc có liên tiếp nhiều nhà đặt mâm cơm cúng nghi ngút khói hướng ngay trước cửa. 

Người không nhiều, mâm cỗ giản đơn, như lời chị Huỳnh Thị Nhung (phường Thanh Khê Đông), vợ ngư dân xấu số Nguyễn Văn Thọ nói thì “hồi trước ổng thích ăn chi, chừ tui cúng ổng nấy”. 

Sáng nay, chị Nhung nghỉ bán bún chả cá để lo mâm cơm cúng chồng. Đến xế trưa, họ hàng hai bên mới tới giúp. Chị trải lòng: “Tui một mình quen rồi. Hồi ổng mất để lại cho tui ba đứa con nheo nhóc, tui gồng mình nuôi dạy cho tới giờ. Nỗi khổ mất chồng không kể cũng biết, tủi đủ đường, lo đủ thứ, nhưng cũng phải cắn răng mà sống vì con thôi”. 

Nói rồi chị lên gác xép thắp hương trên bàn thờ chồng, xuống vái trước mâm cơm đặt hướng ra phía biển, ngậm ngùi: “Tui chẳng cầu mong chi hết, chỉ cầu ở nơi ấy chồng tui bớt lạnh lẽo”. Cơn bão Chan Chu ập đến đã cướp đi người chồng đầu ấp tay gối của chị, ngày bão tan đến nay, thi thể của anh vẫn không được tìm thấy.

Cách nhà chị Nhung mấy bước chân, căn nhà chật chội của mẹ con chị Trần Thị Lành trưa nay cũng đông kín người, hầu hết là phụ nữ. Chị nói: “Tui với mấy chị em dâu nấu nướng rồi tự cúng luôn, phụ nữ miền biển tụi tui quen với việc này rồi, chồng mất, chồng đi biển quanh năm không quen sao được”. 

Ngày ấy, chồng chị, anh Hồ Văn Cường đi theo tàu cá của chủ rồi mãi không về. Hôm hay tin chồng mất tích, chị Nhung thẫn thờ dắt hai đứa con ra bãi biển Thanh Khê gào khóc như điên dại, vô vọng ngóng chồng. Mười năm qua, người vợ, người mẹ này làm thuê làm mướn đủ việc, nuôi hai cậu con trai nay đã đôi mươi, cậu con đầu làm nghề lái taxi, cậu sau đi bộ đội.

Bàn thờ chồng chị đặt trên gác, kế bên là tủ áo quần, bàn ghế. Chị thủ thỉ: “Muốn có một nơi để thờ cúng ba tụi nhỏ cho đàng hoàng, nhưng mẹ con tôi chỉ gắng gượng tới được đây thôi. Năm nào làm giỗ cho ổng, tui cũng mong ổng siêu thoát và xin cho mẹ con tui hai chữ bình an. Khó khăn mấy cũng được, miễn cả nhà ở với nhau, đừng bỏ mẹ con tui lại như ổng”.

Mười năm đã qua, những gia đình có người thân thiệt mạng trong cơn bão Chan Chu này vẫn còn loay hoay băng bó vết thương lòng quá lớn. Với họ, mỗi lần thấy biển là một lần ký ức mất con, mất chồng, mất cha lại hiện về. Nỗi đau ấy chưa bao giờ nguôi ngoai. Với bà Nguyễn Thị Chúc (81 tuổi), hiện thực mất con như mới ngày hôm qua chứ không phải mười năm về trước. 

Bà móm mém kể: “Thằng Hoa (Phạm Văn Hoa) nhà tui đẹp trai lắm, hiền khô, lái tàu giỏi nhứt không ai bằng. Rứa mà phải chết giữa biển. Mười năm ni nhà tui làm cơm chay cúng cho hắn, nghiệp chết biển của ngư dân là nghiệp nặng nên tui mời luôn thầy về cầu cho hắn siêu thoát”.

Trong tiếng kinh cầu đều đều vang, cháu con, hàng xóm ứa nước mắt chứng kiến người bạc tóc vái lạy kẻ đầu xanh. Bên lưng bà là hai đứa cháu nội, con anh Hoa mười năm nay sống cảnh không cha, nương nhờ bà ngoại và các bác. 

Rưng rưng mâm giỗ 10 năm Chan Chu ảnh 1

Gia đình ngư dân xấu số Phạm Văn Hoa năm nào cũng mời thầy chùa về cầu siêu cho anh, cầu an cho ba anh em còn lại bình an bám biển. Ảnh: Thanh Trần. 

Rưng rưng mâm giỗ 10 năm Chan Chu ảnh 2

Hai con trai ngư dân xấu số Phạm Văn Hoa trong ngày giỗ cha. Ảnh: Thanh Trần. 

Rưng rưng mâm giỗ 10 năm Chan Chu ảnh 3

Chị Huỳnh Thị Nhung rưng rưng cúng chồng. Ảnh: Thanh Trần.

Rưng rưng mâm giỗ 10 năm Chan Chu ảnh 4

Chị Trần Thị Lành  cầu mong chồng siêu thoát. Ảnh: Thanh Trần. 

Rưng rưng mâm giỗ 10 năm Chan Chu ảnh 5

Nhà chật chội, mẹ con chị Trần Thị Lành dành nơi trang trọng nhất để đặt bàn thờ anh Hồ Văn Cường. Ảnh: Thanh Trần.

Rưng rưng mâm giỗ 10 năm Chan Chu ảnh 6

“Treo cho ba bộ áo quần để dưới đó ba mang bớt lạnh”, Hồ Ngọc Minh, con trai ngư dân xấu số Hồ Văn Cường nói. Ảnh: Thanh Trần. 

Chanchu là cơn bão đầu tiên vào biển Đông trong năm 2006, có cường độ mạnh, sức tàn phá chỉ sau Linda - xảy ra tháng 11/1997 phá hủy một phần bờ biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khiến khoảng 3.000 người chết và mất tích.

Dù không đổ bộ đất liền, nhưng bão Chanchu năm 2006 đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung dưới lòng biển, chỉ 20 người được tìm thấy xác.

Thảm họa Chanchu cũng đã buộc các ngành chức năng phải chấn chỉnh. Ngành khí tượng đã đưa cảnh báo bão thời hạn 48 giờ vào bản tin và tăng số lần phát tin dự báo với bão đang di chuyển. Bộ Thủy sản (sau này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã rà soát công tác đánh bắt xa bờ, chú trọng khâu tổ chức và quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển; người đi biển phải được trang bị các phương tiện bảo hiểm, máy móc thông tin.

Các tàu cứu hộ cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo ứng cứu nhanh nhất tàu cá xa bờ gặp nạn.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.