Chơi với võng lụa
Tan giờ làm, chị Mai Hương (30 tuổi, Cầu Giấy- Hà Nội) phóng xe thẳng đến phòng tập gần cơ quan. Các thành viên lớp học yoga bay của chị đã có mặt gần đủ, chào nhau cười nói rôm rả. Thay xong bộ đồ tập, chị bắt đầu khởi động cùng mọi người.
Với nhiều tác dụng mang lại, yoga bay ngày càng thu hút chị em công sở |
“Hồi đầu mới biết đến món này cũng run lắm, hay bị gồng người vì cứ sợ không biết võng có chắc chắn không, liệu có bị ngã không. Có lúc lên võng rồi nhưng quên cách xuống làm cả lớp phải xúm vào, người thì đỡ, người thì tháo võng.… Nhưng được sự chỉ bảo của cô giáo và sự động viên của các bạn trong lớp, mọi thứ dần dễ dàng hơn. Sau 3 tháng tập luyện, mình đã không ngại thử thách ở nhiều tư thế khó”, chị Hương cười chia sẻ.
Đã có nhiều năm gắn bó với yoga truyền thống, chị Phương Lan (35 tuổi, Đống Đa- Hà Nội) dễ dàng hơn khi thử sức với yoga bay. “Hơn 1 năm trước, tôi có đọc được câu chuyện của một người phụ nữ 50 tuổi gắn bó với yoga bay. Hình ảnh chị đu mình trên dây lụa vô cùng trẻ trung, đầy sức sống đã truyền cảm hứng thôi thúc tôi đi học. Yoga bay thú vị hơn yoga truyền thống ở chỗ nó cho phép người tập trải nghiệm cùng võng lụa với nhiều tư thế, biến thể khác nhau. Mang đến xúc cảm mới pha lẫn chút mạo hiểm”, chị Lan cho hay.
Chị Phương Lan gắn bó với yoga bay vì nó mang đến những xúc cảm mới mẻ xen lẫn mạo hiểm |
Yoga bay là sự kết hợp giữa nhiều môn thể thao khác nhau, từ yoga thảm, nhảy, múa, xiếc,... Bộ môn này còn được gọi với cái tên khác là yoga không trọng lực. Nếu thảm tập là vật bất ly thân đối với các trường phái yoga khác thì với yoga bay, võng lụa chính là bạn đồng hành không thể thiếu. Chiếc võng lụa này sẽ được treo cao khoảng 3m từ sàn nhà để thuận tiện cho các tư thế trồng cây chuối, ngã người ra sau hoặc xoay vòng… Đặc biệt, nó có thể chịu được sức nặng hơn 900kg, vừa giúp đảm bảo an toàn cho học viên nhưng vẫn giữ được độ mềm mại nhờ làm từ lụa chắc chắn.
Theo HLV yoga bay Trang Phạm, trước khi vào bài tập chính, các học viên cũng sẽ khởi động cơ thể với những động tác như trong yoga truyền thống. Sau đó là những tư thế cơ bản trong yoga bay, gồm: xoạc ngang, trồng chuối, bắn cung, lộn nhào... Người tham gia tập luyện bộ môn này được trải nghiệm cảm giác lơ lửng trên không, cơ thể được kéo giãn nhiều hơn thay vì sử dụng quá nhiều lực gồng như tập các bộ môn khác. Với việc sử dụng võng lụa mềm, trọng lượng cơ thể của học viên sẽ được hỗ trợ đáng kể, nhờ vậy, có thể khám phá các tư thế yoga khó.
“Yoga bay du nhập vào Việt Nam cũng khá lâu rồi nhưng trước đây, nhiều người tưởng phải dân học xiếc chuyên nghiệp mới tập được. Vài năm gần đây, khi dịch covid diễn ra, phong trào tập luyện nâng cao sức khỏe lan tỏa trên cộng đồng mạng giúp người ta biết đến yoga bay nhiều hơn. Một số chị em văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi tập. Có những học viên hơn 50 tuổi vẫn rất nhiệt tình tham gia”. Hiện, mỗi ngày chị Trang có 2 lớp ca trưa và ca chiều muộn để phục vụ chị em “bay nhảy”. Mỗi lớp trung bình 10 người để huấn luyện viên có thể dễ dàng trao đổi, hướng dẫn cụ thể động tác cho từng học viên.
Lợi đơn lợi kép
Nhờ sự nâng đỡ của dây lụa, cơ thể người tập yoga bay được giải phóng áp lực phần cổ, vai, gáy, cột sống và cơ bắp. “Lúc mới tập cũng bị đau người, nhất là đau tay và vai nhưng sau vài buổi là quen. Tôi vốn bị tiền đình bao năm nay, rất hay bị đau đầu. Lại thường xuyên phải ngồi máy tính nên cơ bắp lỏng lẻo, đau vai gáy. Sau 1 năm gắn bó với yoga bay, chứng đau đầu đã đỡ hẳn, cổ vai gáy cũng nhẹ nhàng hơn. Tập quen rồi mà hôm nào có việc bận phải nghỉ là thấy tay chân thừa thãi, người mỏi hẳn”, chị Phương Lan chia sẻ.
Còn với chị Mai Hương, việc tập luyện các động tác kéo giãn, bay bổng trên cao kết hợp với âm nhạc của bộ môn yoga bay giúp chị có thể giải tỏa căng thẳng sau mỗi ngày làm việc tại văn phòng. “Mỗi khi chinh phục được một động tác khó, mình cảm thấy vô cùng phấn khích và hào hứng. Phòng tập cũng là nơi mình được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn cùng chung sở thích. Thỉnh thoảng, cả nhóm lại có những bức ảnh sống ảo để đăng facebook khoe bạn bè”, chị nói.
HLV Hoàng Bích Ngà, giáo viên dạy yoga bay của một trung tâm ở quận Ba Đình (Hà Nội) cũng cho rằng hiệu quả bộ môn này mang lại cho người tập không chỉ là tăng sức mạnh, sức bền, sự linh hoạt của cơ thể mà còn huấn luyện một tinh thần tập trung cao độ, ý chí mạnh mẽ... “Yoga bay rất tốt cho những người bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, bị các vấn đề về xương khớp, rối loạn tiền đình… vì tập yoga bay hoàn toàn không có trọng lực, mang lại sự thoải mái, dễ chịu nhất và các tư thế tập luyện với sự hỗ trợ của võng giúp người tập có thể mở được các khớp cơ xương tối đa, cơ thể được thả lỏng hoàn toàn và tăng sức bền, dẻo dai”.
Một lợi ích khác của yoga bay là góp phần mang đến cho chị em vóc dáng thon gọn, vòng eo nhỏ với những động tác uốn cong trên không hay đôi chân thon gọn lúc tiến hành những động tác kéo dãn.
Tuy nhiên, chị Ngà cũng lưu ý, khi tập yoga bay, người tập phải chú ý lắng nghe sự hướng dẫn của giáo viên và tập trung cao độ, thực hiện động tác chuẩn xác, thả lỏng toàn thân và biết cách thở sâu. Đặc biệt, với những tư thế khó, đưa người lên cao, giữ mình chỉ với sợi dây đu, nếu lơ là, thiếu tập trung sẽ dễ té ngã, chấn thương. Vì vậy, khi muốn tập yoga bay, mọi người cần hiểu rõ sức khỏe, tinh thần, cơ thể mình để tập những tư thế phù hợp. Điều này cũng đòi hỏi giáo viên phải hiểu cơ thể từng học viên để hướng dẫn, nhắc học viên không tập những tư thế không phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Yoga bay có các động tác đảo ngược, trồng chuối, nên học viên cần ăn nhẹ trước tập ít nhất 2 tiếng đồng hồ để giúp dạ dày không cảm thấy khó chịu, gây cản trở quá trình tập luyện và ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài. Người tập cũng nên chú ý trang phục phù hợp, không mặc quá rộng sẽ dễ bị vướng vào dây lụa, cũng không quá ngắn vì có thể gây đau do độ siết của dây.