Rồng Việt Nam rất hiền lành

TPO - Trong 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất không có thật nhưng lại có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của người Việt. Hình tượng rồng xuất phát từ người Bách Việt cổ, tiền thân của dân tộc Việt Nam.

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng gần gũi với người dân Việt Nam, có vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng văn hóa dân tộc, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa, khát vọng phồn vinh, may mắn, đồng thời đứng đầu trong bộ tứ linh "Long, Ly, Quy, Phụng (Phượng)".

Trong 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất không có thật nhưng lại có vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng và tâm linh của người Việt. Rồng gắn liền với truyền thuyết cội nguồn "Con Rồng cháu Tiên" đầy tự hào của dân tộc ta. Rồng là biểu hiện linh thiêng cho sức mạnh thần kì, của bản lĩnh hiên ngang và khí phách.

Trải dài trong lịch sử, hình tượng rồng gắn liền với đời sống văn hóa người Việt, được đưa vào trang trí công trình kiến trúc, hội họa, thơ ca…

Rồng Việt Nam rất hiền lành ảnh 1Rồng Việt Nam rất hiền lành ảnh 2
Bình hiệu đề Minh Mạng niên chế 1820-1841 (trái) và Tiền thưởng Phi long thập ngũ bạc Triều Nguyễn có hình ảnh rồng. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh.

Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết dù không có thật nhưng con rồng được xây dựng, hư cấu trên nền cái thật. Nguyên mẫu của rồng là rắn và cá sấu, phù hợp với khu vực cư trú là sông nước của người Bách Việt cổ.

“Rồng là sản phẩm của văn hóa Bách Việt, từ đó mới đi vào văn hóa Trung Hoa. Nhiều người hay nhầm tưởng ngược lại, văn hóa Trung Hoa lớn là nhờ hấp thu nhiều nền văn hóa của các dân tộc khác”, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho hay.

Hình ảnh con rồng không xuất phát từ giấc mơ mà là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp, văn hóa trồng lúa nước của người Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Con rồng cũng phản ánh lối sống ưa kết hợp của người trồng lúa nước, đây là đặc điểm của văn hóa nông nghiệp.

Hình tượng con rồng còn biểu trưng cho sự đẹp đẽ, sang trọng và tích hợp đủ mọi đức tính. Chính vì thế những người cầm quyền từ xưa đến nay, đặc biệt là vua thường chọn rồng là biểu tượng của mình.

“Con rồng trong ngũ hành ứng với hành thổ, là hành trung tâm ứng với màu vàng nên vua luôn giành lấy màu vàng. Ngoài ra, hình tượng rồng cũng đứng đầu trong tứ linh”, giáo sư Trần Ngọc Thêm phân tích.

Rồng Việt Nam rất hiền lành ảnh 3

"Nhị Triều Song Long" - bức tranh rồng vẽ theo phong cách mỹ thuật thời Lý và thời Lê của Đại Việt xưa, được lựa chọn trưng bày trong triển lãm Vẽ Con Rồng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long. Tranh: Nguyễn Minh Hiệu.

Rồng Việt Nam hiền lành, rồng châu Âu hung ác

Rất nhiều quốc gia trên thế giới có hình tượng rồng nhưng dường như chưa có quốc gia nào nói rồng là giống nòi như của người Việt. Theo truyền thống, con rồng là tổ tiên của người Việt, phù hợp với văn hóa Việt. Chưa kể, con rồng ở các nước khác lại mang tính cách hung ác chứ không hiền hòa như rồng Việt Nam.

Chia sẻ về đường đi của rồng dưới góc nhìn văn hóa, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho hay cá sấu, rắn là hai con vật ác nhưng khi kết hợp thành rồng lại mang tính cách hiền lành. Đặc biệt rồng Việt Nam hay rồng Đông Nam Á rất hiền. Đến khi vào Trung Hoa, rồng bắt đầu có móng, có sừng, có vảy là sự tiếp thu của những đặc điểm từ một số loài vật khác. “Điều đó làm con rồng trở nên xa cách hơn trong khi rồng Việt Nam rất gần gũi với con người”, giáo sư nhận định.

Rồng Việt Nam rất hiền lành ảnh 4

Hình tượng Rồng Việt Nam qua các triều đại. Từ trái qua phải: Rồng Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn. Tranh: Nguyễn Minh Hiệu.

Từ Bách Việt, con rồng đi lên vùng Hoa Bắc của người Hán, sang tới Triều Tiên và Nhật Bản. Giai đoạn hai, rồng từ Việt Nam đi xuống các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, sang Úc châu và châu Đại dương. Giai đoạn 3 là rồng từ Đông Bắc Á vượt sang châu Mỹ, tại đây đã tìm thấy những tư liệu hình rồng của người da đỏ giống hệt với rồng Trung Hoa. Giai đoạn 4 từ Đông Bắc Á đi sang Lưỡng Hà và Ai Cập, cuối cùng cập bến tại châu Âu.

“Ở người Bách Việt, rồng biểu trưng cho sự kết hợp, sự linh hoạt và sở hữu những đức tính tốt đẹp. Thế nhưng đi đến nền văn hóa dương tính hơn thì bắt đầu thay đổi từ hình thức cho tới tính cách. Từ việc mọc cánh, thân ngắn lại như thú và chân dài ra. Rồng châu Âu luôn canh giữ kho báu hay bắt cóc người đẹp và bị đánh bại bởi anh hùng”, giáo sư chia sẻ.

Tin liên quan