Rộng hơn 'Vòng eo 56'

Một cảnh hậu trường người mẫu trong “Vòng eo 56”.
Một cảnh hậu trường người mẫu trong “Vòng eo 56”.
TP - Bộ phim “Vòng eo 56” ra rạp mới một tuần không ngờ bộc lộ khá nhiều thú vị về đời sống văn nghệ hôm nay.

Mở rộng đề tài này sau bài “Xem Vòng eo 56: Nhạt như đời Trinh, giả như phim Đãng”.

Lười như phim Việt

“Khi xem phim hãy quên Đãng và Trinh đi”- đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói, và thế là phải. Song những lúc khác, anh lại như kèo nài mọi người xem phim đi sẽ thấy Trinh dễ thương, thông minh lắm, xem sẽ hiểu và thương Trinh hơn. Ngọc Trinh cũng mong nhất khán giả xem phim sẽ hiểu đúng về cô. “Mọi người nghe rất nhiều chuyện về tôi trong đó bao nhiêu thật giả, bao cách nhìn. Chỉ cần nhìn lệch một chút là đảo lộn hết”. Tự bao giờ, nghệ sĩ (Đãng, không phải Trinh) đi làm nghệ thuật là để cầu cạnh tình thương? Và nhân vật chính cũng đâu giấu ý đồ thanh minh khuất khúc đời tư khi bỏ tiền làm phim.

“Khán giả còn thương thì tôi còn làm”- thỉnh thoảng lại được nghe một nghệ sĩ tuyên bố như vậy, để quảng cáo đêm nhạc của mình chẳng hạn. Tưởng nghệ sĩ phải kiêu hãnh hơn chứ nhỉ. Tôi làm nghệ thuật vì đó là nghiệp, đam mê, sau đó mới phục vụ công chúng. Quyết không chỉ để được “thương”.

Và người ta vào rạp để nghe một câu chuyện lớp lang được kể nghệ thuật: “Ôi từ không đến có/Xảy ra như thế nào” (Xuân Diệu). Thư giãn, thanh lọc tâm hồn. Để, ví dụ, tin được rằng có hai con người xa lạ nọ, chỉ sau tiếng rưỡi đồng hồ lại thành người yêu. Chứ không vào rạp chỉ để nghe thanh minh sau khi đối chiếu “đấy đời tôi (đời cô ấy) thực ra thế đấy”.

Sau bài Nhạt như đời Trinh giả như phim Đãng, người viết nhận nhiều phản hồi, chủ yếu có hai luồng: 1/Phải (viết) như thế chứ. 2/Có đến mức (đáng chê) như vậy không. Trên một web giải trí, khi quản trị dẫn bài báo Tiền Phong “nên đọc” với lời phi lộ Có ai thích đọc những bài báo thẳng và thật quá mức thế này không nhỉ với biểu tượng cười, thì có người ý kiến: Đã gọi là thẳng và thật thì làm gì có quá mức. Làm tôi nhớ lời một danh nhân: “Sự thật không có mức độ”.

Có phản biện bài Nhạt như đời Trinh, giả như phim Đãng rằng cảnh xô xát quá nhiều ở Vòng eo 56 đâu sao, “phim nước ngoài bạo lực ê hề ra”. Bạo lực nếu cần, nên có, văng tục cũng thế nhưng phải có “trình” của nó đấy. Giả dụ nhân vật trong phim nào đó, đáng chết mà lại tha bổng vô lý, thì đó lại là giả, khó chấp nhận. Vũ Ngọc Đãng say sưa như vậy ở Vòng eo 56 có lẽ chưa hẳn do mê bạo lực mà bị bí thì phải, không kiểm soát được nhân vật.

Khi dựng loạt các cảnh xô xát na ná nhau, nếu đạo diễn có ý nói: Cái vùng quê này dân trí thấp thế đấy, chuồn khỏi đây thôi, đã đi một nhẽ. Khổ nỗi vẻ như không có phương án khác để đẩy cao trào thì đúng hơn- quán bi-a hoặc các con hẻm Sài Gòn cũng đấm đá đạp phang nốt.

Ngoài đời và văn chương, điện ảnh đều có mô-típ về tội ác và bạo hành vô cớ. Phim Việt nói chung và Vòng eo 56  chả sâu xa được thế. Trong Tội ác và trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp tả một thằng trông hiền lành, lừ đừ, chặt nứa thuê cho bọn buôn bè, đâm chết hàng xóm chỉ vì con gà. Hỏi sao giết người, hắn nghĩ tí rồi bảo: “Dao vừa mới mài”.

Nói về sự lười biếng của phim Việt, nhớ bộ phim ăn khách của một đạo diễn nổi tiếng, nhân vật nữ chính khóc kể đúng kiểu nghệ thuật Việt Nam ta: Anh ơi, nó hại đời em trong một đêm mưa gió. Nhà thơ Trần Ninh Hồ thuật với tôi rằng gặp đạo diễn, ông trêu: Thế ngày nắng ráo nó không làm gì được à! Trong Vòng eo 56, mưa cộng hưởng đói nghèo làm cảnh đời thêm não nùng, nhưng mưa liên miên khiến ý đồ trở nên quá lộ. Chi tiết khá hơn về sự nghèo: Bàn chân Ngọc Trinh bị người yêu chê xấu, cô giải thích xấu là do hồi nghèo khổ ở quê cô toàn đi đất nên nó cứ tõe ra. Mỗi tội đạo diễn hay để cô nhè chỗ khó mà đi, để tăng vẻ “hoàn cảnh”. 

Có người bảo: Viết về bô phim dở mấy cũng nên cố tìm ra cái để khen. Khen chê mỗi thứ một tí là an toàn nhất!Với họ, điểm sáng của Vòng eo 56 dường như là cánh đồng ngoằn ngoèo nên thơ, hoặc Ngọc Trinh “áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” thướt tha đến trường, hoặc Trinh-Hưng đạp xe lãng mạn như phim Hàn. Thực ra dễ chịu hơn cả là  gương mặt của diễn viên Việt kiều Petey Majik Nguyễn vai Hưng. Cả giọng hát trong trẻo của Thùy Chi trong ca khúc nền. Petey trông điện ảnh hơn hẳn so với số diễn viên còn lại nhưng tính cách thế nào có ai biết đâu, chỉ được vẻ “Thúc Sinh quen thói bốc rời. Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.

“Thuốc thử” đời sống văn nghệ hôm nay

Thập kỷ 90 thế kỷ trước, một Việt kiều về nước bỏ tiền làm phim Những ngày tháng đẹp để kỷ niệm đoạn đời đẹp thời kháng Pháp. Phim không đặc sắc nhưng giản dị dễ thương, Quách Thu Phương vào vai nguyên mẫu Lan Vinh tạo ấn tượng tốt.

Không ai săm soi Những ngày tháng đẹp quá mức vì nó là tác phẩm độc lập so với đời thật, và mục đích làm phim thì đẹp đẽ. Cũng như xem Amadeus- về cuộc đời Mozart, đoạt 8 giải Oscar, người ta chẳng quan tâm lắm chuyện có đúng thiên tài âm nhạc chết do đồng nghiệp hại không, mà phim làm có hấp dẫn không.

Với những phim như Vòng eo 56 (và các chiêu thức quảng cáo “đặc biệt” trước cũng như sau khi ra rạp), hãy xác định khán giả sẽ soi từ những tiểu tiết như: Con bé đóng Trinh sún hồi nhỏ có thật là “chưa ai xinh đẹp hơn” như bốc thơm của các nhân vật bên cạnh không. (Generic Vòng eo 56 cũng ghi rõ tên tiếng Anh của phim là Queen of bikini: A true story, tức Nữ hoàng nội y: Một câu chuyện thật).

Những người trong cuộc và số ủng hộ viên của Vòng eo 56 tuần qua có lúc kinh ngạc sao thiên hạ lại khắt khe với một cô gái vô hại, khắt khe với nỗ lực sáng tạo của cả một tập thể. “Hoàn cảnh như thế mà (nhân vật) không bán dâm đã đạo đức lắm rồi”- có khán giả viết. Giờ, giả sử có một hoa hậu không tai tiếng đi nữa, tuyên bố bỏ 18 tỷ để ngồi lên màn bạc kể chuyện đời mình đặng mua tình cảm của công chúng, thì sóng gió có nổi lên? Người ta chẳng hẳn thành kiến, mà lẽ đời hiển nhiên. Chấp nhận thôi.

Nhất là các nhân vật chính phát ngôn lại hay thiên về tiền bạc, nhan sắc, danh vọng. “Làm với Trinh tôi nhiều tiền lại thêm nổi tiếng” (Vũ Ngọc Đãng); “Ai nói em không đẹp là em không có chịu, vì em đẹp thiệt” (Ngọc Trinh, trên sóng truyền hình quốc gia).

Và nhất là khi ê kíp luôn tỏ ra hài lòng về bộ phim “tử tế”, “tốt”. Tự chấm 9 điểm một thành phẩm gồm những cảnh những thoại, những suất diễn rời rạc như những cái que. Mà trong nghệ thuật, tài năng cũng là nhân cách.

Thế nhưng, Việt Nam thời bùng nổ truyền thông người người làm báo này, kiếm sự xưng tụng của một số người có khi còn dễ hơn húp tào phớ! Cho nhau đi tàu bay giấy vì tình hoặc “khen cho chết” hoặc khen để giải ngân thì còn có thể hiểu được chứ nói quá, lăng xê quá bởi khẩu vị, “gu” có vấn đề, mới vấn đề nhất! Đây là nói hiện trạng điện ảnh- âm nhạc chung, không riêng phim nào.

Vòng eo 56, xem rồi đối chiếu với những phê và tự phê quanh bộ phim, rồi liên tưởng những phim khác nữa- Thần tượng của đạo diễn Nguyễn Quang Huy chẳng hạn- cũng về giới trẻ, để thấy vàng thau, giả chân. Thấy tài năng, sự chân thực, đàng hoàng, tỉnh táo, sự biết mình biết người ở đời này, là đáng quí biết bao.

“Tham nhũng tinh thần”

Biên đạo múa EaSola Thủy  sống ở Pháp, kể với tôi rằng,  nước Pháp bây giờ người ta rất dị ứng hiện tượng “tham nhũng tinh thần”, nghĩa là  một số người lợi dụng vị trí công việc của mình để lăng xê người quen thân, người có chung lợi ích trên phương tiện thông tin đại chúng. Khiến người đọc và khán giả nhiễu loạn thông tin, các giá trị bị đảo lộn.

MỚI - NÓNG