Rối bời vụ máy bay Malaysia mất tích

Ảnh vệ tinh do Trung Quốc cung cấp cho thấy có vật thể khá lớn nghi là của máy bay mất tích. Nguồn: Xinhua
Ảnh vệ tinh do Trung Quốc cung cấp cho thấy có vật thể khá lớn nghi là của máy bay mất tích. Nguồn: Xinhua
TP - Các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines vẫn bay trong không trung thêm 4 giờ nữa, sau khi liên lạc lần cuối với mặt đất và có thể đã bị chuyển hướng đến một địa điểm bí mật nào đó. Tuy nhiên, Malaysia phủ nhận giả thuyết này.

Các chuyên gia điều tra hàng không và an ninh quốc gia Mỹ đang xem xét dữ liệu được tự động tải và truyền xuống mặt đất từ động cơ Rolls-Royce của chiếc Boeing 777. Theo đó, máy bay có thể đã bay tổng cộng 5 giờ, Wall Street Journal (Mỹ) hôm 13/3 dẫn một số nguồn tin thân cận với nhóm điều tra.

“Các quan chức chống khủng bố Mỹ đang theo đuổi giả thuyết một phi công hay người nào đó trên máy bay có thể đã chuyển hướng máy bay tới một địa điểm nào đó sau khi chủ ý tắt bộ phát đáp tín hiệu để tránh bị radar phát hiện”, báo Mỹ đưa tin. Nếu bay tổng cộng 5 giờ, máy bay có thể đã đến tận Pakistan hay một nơi nào đó trên Ấn Độ Dương hoặc Mông Cổ.

“Những bài báo đó không chính xác. Máy bay truyền dữ liệu lần cuối là lúc 1h07 phút sáng (giờ địa phương) với nội dung là mọi việc bình thường”, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein nói tại một cuộc họp báo hôm qua, báo Malaysian Insider (Malaysia) đưa tin.

Hai điện thoại của hành khách vẫn đổ chuông

Tại cuộc họp báo do hãng Malaysia Airlines tổ chức cho các gia đình hành khách tại Bắc Kinh hôm qua, đại diện của hãng nói rằng, ít nhất 2 điện thoại của hành khách trên máy bay mất tích vẫn đổ chuông, nhưng không ai nhấc máy, báo Hong KongSouth China Morning Post đưa tin. 

Tuy nhiên, Malaysia Airlines nói rằng, họ chưa thể khẳng định, những cuộc gọi đó thực sự kết nối tới điện thoại hay chúng được chuyển hướng tới máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Một phát ngôn viên của hãng Rolls-Royce nói rằng, đến nay, mọi thông tin họ có đã được chuyển tới hãng hàng không và chính quyền Malaysia. 

Nhưng một quan chức cấp cao của Malaysia Airlines hôm 13/3 nói với Reuters rằng, họ không nhận được dữ liệu nào như vậy, còn một quan chức cấp cao khác nói ông không biết thông tin nói trên. 

Malaysia Airlines trước đó nói rằng, động cơ Rolls-Royce Trent của chiếc máy bay đã dừng truyền tín hiệu giám sát khi liên lạc giữa máy bay và mặt đất bị ngắt.

Ban An toàn Vận tải Mỹ vừa thông báo, các chuyên gia của họ về kiểm soát không lưu đang có mặt tại Kuala Lumpur giúp đỡ kỹ thuật cho Malaysia. Một quan chức Mỹ nói rằng, các chuyên gia được xem hai bộ dữ liệu radar, dân sự và quân sự, và cả hai đều cho thấy máy bay đã quay về phía tây và di chuyển sang bên kia của bán đảo Malaysia, Reuters đưa tin. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh, những dữ liệu dạng thô này chưa thể cho kết quả cuối cùng.

Hy vọng nhen lên rồi lại tắt


Cục Quản lý nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vừa công bố một số bức ảnh chụp 3 vật thể có kích thước lớn ở vùng biển phía nam Việt Nam, gần địa điểm cuối cùng được xác định của chiếc máy bay mất tích. Bức ảnh chụp lúc 11h này 9/3 (hơn 1 ngày sau khi máy bay mất tích) có vẻ cho thấy 3 vật thể đang nổi, trong đó vật thể lớn nhất có kích thước 24x22m ở cách vị trí được xác định ban đầu 250km. Tuy nhiên, cả Việt Nam và Malaysia không tìm được vật nào sau khi điều máy bay tới đó.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 13/3 đề nghị các bên liên quan tăng cường phối hợp, điều tra nguyên nhân, xác định vị trí máy bay mất tích nhanh hết mức có thể và xử lý thỏa đáng mọi vấn đề liên quan. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc than phiền có “quá nhiều nhiễu loạn” về thông tin liên quan đường bay của máy bay. Ông Lý Khắc Cường cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay mất tích “chừng nào vẫn còn tia hy vọng”.

Tại buổi họp báo hôm qua ở Malaysia, Tổng giám đốc điều hành Malaysia Airlines, ông Ahmad Jauhari Yahyain, nói rằng, máy bay mất tích được kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng định kỳ đúng quy định.

Một phi công Malaysia dính dáng al-Qaeda?

Saajid Badat, phần tử thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda, vừa nói trước tòa tại New York (Mỹ) rằng, trong lúc lên kế hoạch đánh bom máy bay Mỹ năm 2001, hắn và đồng bọn, trong đó có một phi công người Malaysia, đã vạch ra kế hoạch cho nổ tung buồng lái máy bay của Malaysia, ABC News đưa tin.

Xuất hiện trước phiên tòa xét xử con rể của trùm khủng bố Osama bin-Laden hôm 11/3, Badat khai rằng, năm 2001, anh ta và đồng bọn được al-Qaeda cung cấp 2 quả bom giầy để đánh bom máy bay của Mỹ. Badat giữ lại một quả bom và đưa quả còn lại cho một nhóm người Malaysia gồm 4-5 thành viên, trong đó có một phi công.

Badat vừa khai rằng, Khalid Sheikh Mohammed, kẻ tự tuyên bố đánh bom ngày 11/9/2001 ở Mỹ và đang bị giam ở Vịnh Guantanamo, là đối tượng giúp lên kế hoạch đánh bom giầy và cũng nói đã có kế hoạch dành cho người Malaysia. Badat nói rằng, sau đó, kế hoạch bị hủy bỏ. Thông tin trên được đưa ra đúng lúc đội tìm kiếm và điều tra vẫn chưa thấy dấu tích của chiếc máy bay Malaysia cùng 239 người trên khoang.

MỚI - NÓNG