Gạo giả được cho là làm từ khoai tây, khoai lang cùng nhựa tổng hợp rồi làm thành hình hạt gạo thật, vẫn cứng sau khi được nấu lên. Có thông tin loại gạo này đã tìm đường vào những nước châu Á có dân số nông thôn đông như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… Tin đồn mới nhất là gạo giả đã vào Singapore.
Các chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng cảnh báo, ăn những loại ngũ cốc giả như vậy có thể gây tử vong hoặc làm tổn thương nghiêm trọng hệ tiêu hóa. Tin tức về loại gạo giả (được bán phổ biến tại các chợ Trung Quốc, đặc biệt là thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thiểm Tây) được lan truyền trên các mạng xã hội đông người sử dụng như Facebook, WhatsApp…
Tuy nhiên, Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp & Nông nghiệp Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob, nói họ chưa nhận được báo cáo nào về gạo giả, và bảo đảm rằng người tiêu dùng sẽ được dạy cách phân biệt gạo giả. Bộ trưởng Thương mại Nội địa Malaysia Hasan Malek nói rằng, thông tin về gạo giả lan truyền trên mạng có thể đúng hoặc sai, nhưng bộ này sẽ không xem nhẹ vấn đề. Ông Malek cho biết sẽ cử các đội điều tra vào tận những cửa hàng nhỏ để xem gạo giả có được bán không, đặc biệt ở vùng ngoại ô, nông thôn.
Giới chuyên gia trong ngành gạo Malaysia cho rằng, loại gạo này sẽ không được bán công khai trong các siêu thị, mà có thể được bán tại các cửa hàng nhỏ. Khó có khả năng người bán buôn đưa gạo giả vào thị trường vì quy trình kiểm tra tại các cửa khẩu rất chặt chẽ, nhưng có thể gạo giả bị buôn lậu qua biên giới trên bộ. Những kẻ buôn lậu có thể dùng nhiều cách để đưa gạo giả vào vì sẽ rất khó phát hiện gạo giả trộn với gạo thường.
Việt Nam chưa thấy gạo giả
Chiều 19/5, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan thông tin gạo giả làm từ nhựa độc hại, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nói rằng, Việt Nam từng rộ tin gạo giả, nhưng chưa phát hiện thấy. Theo ông Định, tại Việt Nam từng xuất hiện thông tin gạo giả xuất xứ từ Trung Quốc. Sau đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam vào cuộc, đến những khu vực nghi có gạo giả để lấy mẫu phân tích, nhưng đó không phải là loại gạo giả như tin rộ lên trước đó.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt nói rằng, theo báo chí Malaysia, Singapore, gạo giả có thành phần là khoai tây, khoai lang, nhưng nếu vậy, chi phí có khi còn đắt hơn. “Thông thường, giá gạo cũng chỉ 15.000-20.000 đồng/kg, nếu làm từ nguyên liệu trên, giá cũng cao, chưa kể công nghệ để tạo thành hình hạt gạo nữa. Mặt khác, nếu gạo có thành phần nhựa, nấu sẽ chảy ra, người tiêu dùng phát hiện ra ngay”, ông Định nói.
Theo ông Định, hiện Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu 4,2-4,5 triệu tấn gạo. Người Trung Quốc thường không thích ăn loại gạo dẻo, mà là gạo khô rời.