Rộ nạn dựng chướng ngại vật để chiếm giữ vỉa hè

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước cửa một ngôi nhà trên phố Quan Nhân (Hà Nội), hai cục bê tông khá to được đặt ở mép giao giữa vỉa hè với lòng đường. Người phụ nữ bán thịt xiên nướng bên cạnh nói với phóng viên: “Để cản ô tô đỗ đấy...”.

Nhiều chiêu thức “chiếm dụng” vỉa hè

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, hiện nay, tình trạng đặt các chướng ngại vật trên vỉa hè xuất hiện nhiều trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt tại các tuyến đường, ngõ nhỏ. Mục đích của việc làm này, chủ yếu là ngăn cản việc dừng, đỗ ô tô trên vỉa hè, chắn lối ra của người và phương tiện sinh sống ở mặt đường. Tuy nhiên, có trường hợp đặt chướng ngại vật để “chiếm dụng” vỉa hè làm nơi đỗ xe cá nhân, phục vụ kinh doanh, buôn bán…

Rộ nạn dựng chướng ngại vật để chiếm giữ vỉa hè ảnh 1

Cục bê tông trên vỉa hè phố Quan Nhân Ảnh: Trường Phong

Trên phố Trung Kính, quanh khu Công viên Cầu Giấy (Cầu Giấy), một số vị trí trên vỉa hè xuất hiện nhiều cục bê tông khá lớn, dường như để chiếm dụng làm nơi đỗ xe ô tô, buôn bán. Dọc nhiều tuyến phố quanh hồ Tây (Tây Hồ) cũng xuất hiện nhiều vị trí dựng các “chướng ngại vật” để “giữ chỗ” đỗ xe. Trên phố Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy) một đoạn vỉa hè được quây kín bằng 3 thùng sơn cắm cọc, chăng dây cảnh báo. Trước cửa nhà số 24 ngõ 68 Cầu Giấy xuất hiện 2 cục bê tông khá lớn, ô tô không thể dừng đỗ trên vỉa hè...

Đặc biệt, nhiều nơi đã kiên cố hoá các chướng ngại vật trên vỉa hè. Gần ngõ 119 Trung Kính, trên vỉa hè xuất hiện 2 cọc sắt cắm xuống vỉa hè, cao khoảng 30 cm, sơn đỏ, trắng, dường như để cản việc ô tô đi lên, dừng đỗ ở khu vực này. Trước cửa số 380 - 382 Kim Giang, trên vỉa hè xuất hiện 3 ụ bê tông nổi, cao hơn mặt vỉa hè khoảng hơn chục centimet. Trước cửa một số ngôi nhà ven hồ Tây cũng xuất hiện các hàng rào sắt cắm chặt xuống vỉa hè ngăn cách giữa vỉa hè và lòng đường.

Lực lượng mỏng, khó xử lý

Liên quan đến hiện tượng ghim đinh sắt trên vỉa hè phố Đỗ Quang hồi cuối tháng 8/2022, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND phường Trung Hoà cho biết, đây là hành động “rất nguy hiểm”, tiềm ẩn nguy cơ cao gây nổ lốp xe, hoặc các cháu nhỏ vui chơi ngã vào. “Ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, chúng tôi đã cử lực lượng chức năng xuống hiện trường, tiến hành nhổ bỏ đinh để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện đi lại”, vị này thông tin, đồng thời cho biết, cảnh sát khu vực làm việc với chủ hộ, yêu cầu không tái diễn hành động tương tự.

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, hiện diễn ra tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, trong đó có hiện tượng đặt các chướng ngại vật như bục, bệ, thậm chí đặt cây xanh. “Việc để một số vật dụng ra vỉa hè, nếu chứng minh được nhằm chiếm dụng vỉa hè, có thể xử phạt vi phạm hành chính được. Tuy nhiên, lực lượng của phường hiện quá mỏng nên không thể theo sát hết”, đại diện lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Cầu Giấy nói.

Theo chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường ở thành phố Hà Nội hiện nay có lý do từ việc thiếu chỗ đỗ xe. Thành phố cần 5 - 6% diện tích để đỗ xe, nhưng hiện nay mới có hơn 2%, dẫn đến nhiều lúng túng. “Vỉa hè là dành cho người đi bộ, là không gian công cộng, chứ không phải là nơi đỗ xe, cũng không phải là không gian riêng của từng hộ gia đình ở mặt đường”, ông Nghiêm nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, việc cá nhân, tổ chức, toà nhà dựng chướng ngại vật, rào vỉa hè lại là không hợp lý, không đảm bảo mỹ quan đô thị.

Theo phân cấp, uỷ quyền, chính quyền địa phương phải xử lý các vấn đề này, tuy nhiên, có đủ năng lực, nhân lực để làm hay không là một vấn đề. Ông Nghiêm cho biết, sau Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, cần đặt vấn đề quản lý vỉa hè như thế nào trong định hướng phát triển kinh tế đô thị, trong đó có kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, kinh tế tuần hoàn…

MỚI - NÓNG