“Resort” Pháp dành cho người tâm thần

Buổi giới thiệu về văn hóa Việt Nam tại trường cùng với sinh viên và phụ trách
Buổi giới thiệu về văn hóa Việt Nam tại trường cùng với sinh viên và phụ trách
TP - Nhìn từ ngoài, thành phố Evrard - trường của những người tâm thần đẹp chẳng khác nào khu nghỉ dưỡng.

Cách Paris khoảng 20 cây số, Evrard được coi là một trung tâm lớn nghiên cứu và điều trị tâm thần do Nhà nước quản lý, nơi đón tất cả bệnh nhân của khu vực Seine-Saint Denis với dân số 1,2 triệu người. Tại đây, cũng có Tòa Thị chính để lo giải quyết công việc hành chính của thành phố. Evrard có người gác, có tên đường, khu thể thao, thư viện như các thành phố khác. Cổng vào cơ sở Evrard có tấm biển đề: Cơ sở y tế công thuộc thành phố Evrard.

Với phương châm “Một nụ cười bằng mười thang thuốc”, nhân viên làm việc ở đây rất vui vẻ, nụ cười thường trực trên môi. Bệnh nhân có bạn bè để giao lưu, họ được tự do đi lại trong thành phố đặc biệt này. Một số bệnh nhân nhẹ có thể về với gia đình vào buổi tối để cảm nhận hơi ấm tình cảm ruột thịt. Trong khu vực có thư viện rộng lớn. Nơi đây còn tổ chức triển lãm tranh vẽ của các bệnh nhân. Những họa sĩ, nhạc sĩ thất tình vào bệnh viện điều trị, sau đó tham gia dạy vẽ, dạy nhạc cho bệnh nhân khác.

Ban đầu, Evrard chỉ là nơi để cách ly các bệnh nhân tâm thần. Năm đầu tiên có 716 người. Trước đây, bệnh nhân tâm thần thường bị gia đình bắt sống biệt lập, nhốt lại, ngại cho giao tiếp với người khác. Nhờ thành phố nhân đạo này, họ có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Mọi bệnh nhân đều được hưởng chế độ điều trị như nhau. Trước kia, người chăm sóc bệnh nhân thường là con chiên thuộc dòng Thánh  Joseph de Bourg. Năm 1885, chính sách phi tôn giáo trong hệ thống giáo dục cho phép mở Viện Đào tạo y tá điều dưỡng. Trường hằng năm chỉ tuyển khoảng 70 sinh viên chương trình đào tạo kéo dài 3 năm, nên trường có khoảng 210 sinh viên học y tá mỗi năm. Trường cũng đào tạo hệ sau đại học, chuyên ngành, nên số sinh viên này ra trường hằng năm lên tới 60. Sinh viên ngoài thi chuyên môn còn phải qua kỳ thi sát hạnh về tâm lý và lý do chọn nghề này. Do tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, người y tá điều dưỡng phải có lòng nhân đạo, tính kiên nhẫn và lòng vị tha. Trường liên kết với Đại học Tổng hợp Paris 13 để đào tạo chính quy và hệ thống quy củ theo quy chế đại học và hưởng mọi chế độ Nhà nước.

Chỉ chuyên chăm sóc bệnh nhân tâm thần nên y tá không chỉ cùng bác sĩ chữa bệnh, tiêm thuốc mà còn là chuyên gia tâm lý giúp họ bớt đi căn bệnh đôi khi chỉ là bệnh ảo. Nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi trong khu này do tính lẩm cẩm hay gây bạo động, vì vậy, y tá phải như người thân trong gia đình. Do đó, ngoài học về nghề nghiệp y tá, sinh viên còn được trang bị kiến thức tâm lý và cách đối xử với bệnh nhân một cách nhân đạo. Các y tá được học thêm về một số đặc thù ngôn ngữ, văn hóa các nước để ứng xử phù hợp với từng bệnh nhân. Nhà trường mời các chuyên gia, nhà văn hóa đến giới thiệu văn hóa các nước như Việt Nam, Nhật Bản… cho sinh viên.

Trường không đông, sinh viên ra trường đều có việc làm vì trường không chỉ đào tạo cho riêng thành phố bệnh tâm thần mà cho toàn khu vực Paris và vùng ngoại ô. Họ có thể làm việc trong các bệnh viện khác, vì các bệnh viện đều có khoa tâm thần. Chỉ bệnh nhân điều trị lâu dài mới chuyển về thành phố đặc biệt này.

Hiệu trưởng Dominique Đỗ Chi là một phụ nữ gốc Việt năng động, nhiệt tình đối với sinh viên. Bà tâm sự: “Nếu về hưu, tôi mong sẽ có dịp về Việt Nam để giúp quê hương”. Sinh ra ở Pháp, mỗi lần về Việt Nam, bà đều xúc động, thương đồng bào và quê nhà từng chịu đựng nhiều hậu quả chiến tranh. Bà mong góp phần kinh nghiệm, kiến thức của mình trong việc quản lý một trường học mang tính nhân văn cao; bệnh nhân tâm thần không phải lang thang hay bị hắt hủi, xích ở trong nhà.

Theo Từ Paris
MỚI - NÓNG