Sâu tơ là nỗi ám ảnh của người trồng rau bởi liên tục gặm ăn biểu bì ở mặt dưới phiến lá cây rau, nhất là cây bắp cải khiến lá bị thủng rách, mất năng suất và chất lượng. Đã thế, loài sâu này lại có khả năng kháng thuốc thần tốc: Hàng loạt thuốc trừ sâu mới được đưa vào sử dụng nhưng không “chạy đua” nổi với sâu tơ.
Cơ quan chức năng đã nhập kén ong D.semiclausum từ Malaysia để Chi cục BVTV Lâm Đồng nghiên cứu, phát triển đàn ong. Ong cái sau khi giao phối sẽ đẻ trứng vào sâu non; ấu trùng ong lớn lên trong cơ thể sâu tơ và sử dụng dưỡng chất bên trong sâu tơ làm thức ăn. Một ong cái có thể ký sinh, tiêu diệt hàng chục sâu tơ. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu nhân đàn bọ cưa rồi thả nuôi đại trà trên đồng cà chua để bắt bọ phấn.
Đa số nhộng ong và ấu trùng bọ cưa bị chết khi tiếp xúc với các loại thuốc hóa học, do đó để các quần thể thiên địch phát triển ổn định, bền vững (nhằm kìm hãm mật độ các côn trùng gây hại) phải hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu. Chi cục đã hướng dẫn nông dân thay thế phần lớn các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học bằng những chế phẩm sinh học ở 4 khu vườn điểm trồng cà chua, bắp cải, ớt ngọt và khoai tây.
Qua phân tích những mẫu đất, mẫu nước và mẫu rau quả tươi thu hoạch ở 4 khu vườn nói trên cho thấy, chất lượng rau thương phẩm được nâng cao, an toàn cho người sử dụng (không có dư lượng thuốc trừ sâu), không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, công phun thuốc hóa học… nên chi phí đầu tư giảm đáng kể, trong khi đó năng suất lại tăng gần 9% khiến doanh thu tăng từ 11- 16%...