Sau 13 năm kể từ ngày nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TPHCM được giao thực hiện nghiên cứu thử nghiệm vắc xin sốt xuất huyết trên 2.336 trẻ trong độ tuổi 2-14 tuổi, đến nay vắc xin này vẫn chưa thấy đâu?! Trong khi đó, đến hẹn lại lên, dịch bệnh sốt xuất huyết lại bùng phát ở nhiều địa phương và gây ra nhiều cái chết thương tâm, chủ yếu là trẻ con. Bộ Y tế thông tin, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 53 nghìn trường hợp mắc bệnh, trong đó có 6 ca tử vong. Đáng nói, đây là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết khi số ca mắc và ca nặng đều tăng và rất cần đến “vũ khí” vắc xin để phòng bệnh.
Tôi còn nhớ, từ năm 2011, lúc đó nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TPHCM dưới sự tài trợ của Sanofi Pasteur được giao nghiên cứu trên 2.336 trẻ tại thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Thời điểm ấy, Việt Nam là 1 trong 5 nước ở Đông Nam Á được Công ty Sanofi Pasteur tài trợ lựa chọn thực hiện dự án này. Kết quả phân tích từ nhóm nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy, vắc-xin Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở cá thể 9 đến 16 tuổi có xác định nhiễm sốt xuất huyết trước đó. Đó là lý do vào năm 2018, đã có 31 quốc gia được cấp phép cho vắc xin này lưu hành. Mới đây nhất, FDA của Mỹ đã cấp phép cho vắc xin này lưu hành và trở thành nước thứ 54 dùng vắc xin sốt xuất huyết Dengvaxia.
Ở Việt Nam thì sao? Toàn bộ hơn 2.336 trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin Dengvaxia đều an toàn, không xảy tai biến. Dựa trên kết quả nghiên cứu, Công ty Sanofi Pasteur đã đăng ký lưu hành vắc xin Dengvaxia ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng không hiểu sao, sau chừng ấy năm, tốn bao công sức và tiền bạc, dự án nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết được ưu ái triển khai tại Việt Nam vẫn không đi đến được hồi kết? Hôm qua, một đại diện của Công ty Sanofi Pasteur thông báo, họ ngừng theo đuổi dự án, dù đã trình kết quả nghiên cứu lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế chờ nghiệm thu và cấp phép. Phải chăng lý do là thủ tục có nhiêu khê?
Có thể nói, vắc xin sốt xuất huyết ra đời được xem là “vũ khí” thực sự chống lại căn bệnh không thuốc chữa này. Thế nhưng đến nay, sau 13 năm, dự án vắc xin này đã “chết” và chưa biết bao giờ mới được cấp phép lưu hành, đặt ra câu hỏi về tính cấp bách trong quy trình cấp phép vắc xin hiện nay. Người dân được hô hào chống dịch nhưng họ không được cấp “vũ khí” thì việc chống dịch hiện nay vẫn là khẩu hiệu muôn thuở “diệt lăng quăng - phòng sốt xuất huyết” mà thôi!
Và khi chống dịch bằng giải pháp truyền thống là diệt lăng quăng, đi ngủ phải mắc màn, diệt muỗi… để muỗi không truyền virus gây bệnh thì câu chuyện “đến hẹn lại lo chống dịch” sẽ mãi còn tiếp diễn.