Vụ chìm ca nô du lịch 17 người chết và mất tích ở Hội An:

Rà soát toàn bộ hoạt động tàu thủy

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Tại Cù Lao Chàm ít nhất đã có 4 vụ bị lật ca nô nhưng vẫn cứu được hết, vì xưa ca nô làm theo chuẩn SI thì thiết kế rất trống, khi lật người văng ra có mặc áo phao nổi trên biển được lực lượng cứu hộ cứu sống. Tàu vừa lật thiết kế tàu kín quá, khi xảy ra tai nạn thương vong rất nhiều", lãnh đạo thành phố Hội An nhận định.

Chuyến tàu định mệnh đưa hành khách tham quan Cù Lao Chàm đã không thể trở về như dự định. Đến chiều 27/2 số nạn nhân tử vong đã lên con số 15 người, nhiều người trong đó là anh em họ hàng, hai em nhỏ 3 tuổi vẫn còn mất tích. Nỗi đau không tài nào kể xiết với những thân nhân có người bị nạn.

Đau thương ở bến tàu Cửa Đại

Rạng sáng ngày 27/2, thêm 2 thi thể nạn nhân nữa được tìm thấy gần khu vực nơi xảy ra vụ lật ca nô trên biển Cửa Đại sau những nỗ lực thâu đêm kiếm tìm của người dân cùng lực lượng chức năng. Ông Trần Ngọc Yến (72 tuổi, ở Phước Trạch, phường Cửa Đại) tham gia trong đoàn tìm kiếm kể, suốt cả đêm ông cùng mọi người đi dọc bờ biển, và lội khắp các bãi bồi để tìm kiếm. Nhiều năm đi biển và am hiểu địa hình luồng lạch, hướng gió, thủy triều, ông Yến nhận định khả năng xác các nạn nhân sẽ được tấp vào bãi.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay sự việc đau lòng xảy ra, địa phương cố gắng khắc phục tối đa hậu quả, hỗ trợ nạn nhân. "Quan trọng hơn, sau sự cố đau thương này phải tìm ra được nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan từ trung ương đến địa phương làm được gì phải làm gấp ngay, vì bắt đầu mùa du lịch, mở cửa đón khách nước ngoài, cần tổng rà soát lại tất cả điều kiện phương tiện đảm bảo an toàn, luồng lạch. Khẩn trương không để lại sự cố đau thương như thế này"- ông Thanh nói.

Thắp nén hương khẩn cầu, ông Yến cùng các chiến sĩ công an đi dọc khu vực bãi bồi, đến khoảng 1 giờ ông nhìn thấy khối đen nằm lọt trong khe nước của cồn nổi. Đó là thi thể một người phụ nữ nằm úp mặt. Một lúc sau, đoàn tiếp tục tìm thấy thi thể em nhỏ cách đó vài trăm mét. Hai thi thể được đưa vào bờ, và chuyển đến nhà tang lễ thành phố Hội An. Nơi đây 13 thi thể khác cũng đã được đưa về.

Từ sáng sớm, những người thân của các nạn nhân đã kịp về đây để thực hiện các thủ tục nhận thi thể người thân. Tiếng khóc xé lòng bên những chiếc quan tài xếp dài trong nhà tang lễ khiến ai cũng không kìm được nước mắt.

Ông Ngô Văn Đẩn (trú thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) khóc ngặt trước quan tài của những người thân. Ông là bác ruột của các nạn nhân vụ chìm tàu.

Rà soát toàn bộ hoạt động tàu thủy ảnh 1

Chiếc ca nô gặp nạn vào chiều 26/2

Ông cho biết 14 người trong đoàn tham quan là người thân trong gia đình. Trước khi đi, mọi người vui vẻ báo là sẽ đi tham quan ở Hội An ít ngày. Vé được đặt trước 2 năm nay nhưng vì dịch bệnh nên hoãn lại. Gần đây khi du lịch mở cửa trở lại, mọi người mới thực hiện được chuyến du lịch như dự định, ai ngờ đó là chuyến đi định mệnh. 8 nạn nhân chết và mất tích đều là anh em họ hàng. “Em ơi, cháu ơi! Tại sao lại ra nông nỗi này!” - ông đau đớn thốt lên.

Thân nhân 8 nạn nhân xấu số thống nhất hỏa táng cho người nhà tại Trung tâm Hỏa táng ở Đà Nẵng, sau đó ông Đẩn đem tro cốt của các em, các con về an táng ở nghĩa trang quê nhà. "Đến tận 8 thi thể, nỗi đau quá lớn cho gia đình” - ông Đẩn nghẹn ngào.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (quê ở Hà Nội) từ Hà Nội đi máy bay vào Hội An sáng 27/2. Chị có 3 người thân là nạn nhân vụ tai nạn là em dâu và 2 người bạn. Cả ba đều đã được đưa lên nhưng không qua khỏi. Nhìn các thi thể nằm xếp hàng chị đau quặn thắt. Sáng nay chị cùng mọi người lập bàn thờ ở bờ biển cúng gọi hồn 3 người thân về với gia đình. Ở bãi cát gần bến tàu Cửa Đại, nhiều người thân lập bàn thờ thắp hương khấn cầu suốt đêm qua.

Rà soát toàn bộ hoạt động tàu thủy ảnh 2

Lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích còn lại

Đến chiều 27/2, vẫn còn 2 nạn nhân chưa được tìm thấy đó là hai em nhỏ N. M. Q. và N. M. A (cùng SN 2019, Hà Nội). Sáng nay người nhà của hai em đến bãi cát Cửa Đại cách khu vực xảy ra vụ lật ca nô khoảng 2 hải lý, lập bàn thờ mong sớm tìm thấy cháu.

Khẩn cầu thắp hương chờ tin tức của cháu, chú của em N.M.A (3 tuổi, nạn nhân đang mất tích) đau đớn trước sự mất mát quá lớn. Chú của A cho hay, ông vừa bay từ Hà Nội vào đây sau khi nhận tin dữ. Ông nói cháu A cùng bố mẹ đi du lịch ở Hội An, nào ngờ tai nạn thương tâm xảy ra bố mẹ cháu mất, còn bé A giờ vẫn chưa tìm thấy.

“Theo lịch thì hôm nay gia đình cháu sẽ kết thúc chuyến du lịch để về Hà Nội, ai ngờ tai họa ập đến, ba mẹ cháu chết hết còn cháu thì bặt tăm”, người chú đau đớn nói.

Dọc bãi biển Cửa Đại, rất đông người theo dõi cuộc tìm kiếm. Người biết bơi thì tham gia cứu hộ. Nhiều người lập bàn thờ, thắp hoa đăng khẩn cầu nhưng điều kì diệu không xảy ra. Vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của 15 người, 2 em nhỏ vẫn mất tích. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, người dân địa phương cũng lập thùng quyên góp hỗ trợ gia đình nạn nhân.

Rà soát toàn bộ hoạt động tàu thủy

Nhiều người dân địa phương cho rằng xưa giờ việc chìm tàu trên biển vẫn có nhưng không có thảm nạn khiến quá nhiều người chết tang thương như thế này. Nhiều người cho rằng tàu mới trang bị chắc chắn nhưng quá kín khiến khi tàu lật úp nạn nhân khó thoát ra ngoài.

Ông S, một người có kinh nghiệm lái ca nô hơn 10 năm tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm cho hay, trước năm 2018 thành phố Hội An sử dụng ca nô loại 15 chỗ ngồi, mui trần, có mái che nhưng không đóng kín nên khi xảy ra lật tất cả hành khách đều băng ra ngoài có áo phao nổi lên nên cơ hội sống sót cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, năm 2011 tại địa phương từng xảy ra vụ lật tàu của Tiểu đoàn 70. Lúc đó người chết phần đa vì không có áo phao, nhưng vụ tai nạn lần này nạn nhân chết do bị mắc kẹt trong tàu. “Những người văng ra ngoài thì sống nhưng các trường hợp bị kẹt ở trong tàu đưa ra thì bị tử vong” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, từ khi địa phương đưa vào khai thác ca nô phục vụ du lịch Cù Lao Chàm đã từng xảy ra nhiều vụ chìm ca nô trên biển. “Ít nhất đã có 4 vụ bị lật ca nô nhưng hoàn toàn cứu được hết, vì xưa ca nô làm theo chuẩn SI thì thiết kế rất trống, khi bị lật thì người văng ra do có mặc áo phao nên nổi trên biển thì lực lượng cứu hộ cứu sống được. Còn tàu hiện tại thiết kế tàu kín quá, khi xảy ra lật thì thương vong rất nhiều. Từ vụ việc này, cần làm rõ mổ xẻ nguyên nhân, cũng như đề xuất phương án trong thiết kế tàu mới chẳng hạn có cửa tự động khi có sự cố thì có thể mở được” - ông Sơn nói.

Hiện Hội An có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đang khai thác 130 ca nô du lịch loại mới này theo yêu cầu của ngành giao thông vận tải. Ông Sơn nhìn nhận thiết kế tàu đóng kín có thể chống được tạt nước nhưng khi gặp sự cố cứu hộ rất khó khăn.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng sau vụ việc thương tâm xảy ra các cơ quan chức năng đánh giá chung toàn diện chứ không chỉ liên quan đến yếu tố về kĩ thuật mà cả đặc điểm biến động của tình hình khí hậu, bồi lắng dịch chuyển cồn cát lòng sông…

“Đây là vụ việc xảy ra hy hữu trong hoạt động giao thông đường thủy. Sự việc rất đau xót, nhất là thời điểm phục hồi hoạt động du lịch. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GTVT chỉ đạo tất cả các địa phương, cơ quan chức năng của Bộ tiến hành rà soát đánh giá lại toàn bộ điều kiện đảm bảo về an toàn của các phương tiện chở khách đường thủy, phương tiện chở khách du lịch trên sông nước, phương tiện chở khách từ bờ ra đảo. Đồng thời rà soát việc thực hiện đúng quy định về chế độ khai thác; yêu cầu thuyền viên, đảm bảo an toàn, phương tiện cứu sinh… phối hợp các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền cho người dân.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn nắm thông tin khí hậu tại các tiểu vùng, ở khu vực tổ chức khai thác. Cung cấp thông tin cụ thể ở diện hẹp hơn, cụ thể hơn. “Sắp tới sẽ triển khai rà soát từ Bắc chí Nam, để chuẩn bị cho phục hồi du lịch, phục hồi kinh tế. Đây là việc hết sức cần thiết” - ông Hùng nói.

Ngoài ra rà soát lại kết cấu hạ tầng như hệ thống phao tiêu, biển báo, tăng tần suất khảo sát đánh giá luồng tuyến. Đặc biệt những luồng tuyến có tốc độ bồi lắng cao, diễn biến phức tạp như khu vực Cửa Đại từ đó thông tin cho người dân, chủ phương tiện để đảm bảo lưu thông an toàn.

Tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo trước mắt tăng cường tần suất khảo sát để điều chỉnh kế hoạch nạo vét duy tu, đảm bảo cho phép tàu thuyền khai thác thì phải đảm bảo điều kiện về an toàn luồng lạch.

“Tuần sau Bộ sẽ chủ trì cuộc họp đánh giá đầy đủ không chỉ luồng Cửa Đại mà cả khu vực khác nữa. Sau khi có kết quả điều tra cuối cùng vụ việc từ phía cơ quan điều tra thì sẽ có hội nghị liên ngành để đánh giá lại những quy định pháp luật có liên quan về quản lý an toàn vận tải, kết cấu hạ tầng, an toàn phương tiện, hoàn thiện những quy định để đảm bảo giảm thiểu mọi nguy cơ rủi ro” - ông Sang khẳng định.

MỚI - NÓNG