> Không cần lập ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế
Thủ tướng nêu rõ, năm 2012, ngành Ngoại giao phải tiếp tục tập trung nắm chắc tình hình để tham mưu, kiến nghị, đề xuất cho Đảng, Nhà nước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; tận dụng tối đa các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực, quyết liệt hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong ngoại giao chính trị, ngành ngoại giao cần tập trung chỉ đạo, làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao với các đối tác truyền thống, các đối tác lớn, các đối tác chiến lược; vận động các nước ủng hộ lập trường chính đáng của Việt Nam, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sông Mekong từ đó nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về kinh tế đối ngoại, ngành cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể hội nhập kinh tế quốc tế của quốc gia trong quý I-2012, trong đó cần xây dựng các kế hoạch hợp tác cụ thể với từng quốc gia, từng khu vực; hoàn tất các cam kết WTO, các hiệp định thương mại tự do. Làm tốt công tác mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, thị trường lao động, du lịch...
Ngoài ra, ngành ngoại giao cần chủ động đấu tranh với chủ nghĩa bảo hộ, chống bán phá giá, triển khai tổng thể các giải pháp nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tiếp tục vận động đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngoại giao rà soát lại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, công tác tổ chức cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ ngoại giao là những người có năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân.