Không chỉ vậy, cái khó nhất của đề tài văn hóa du lịch là kể, nghĩ suy về những địa danh, những điều không mới nhưng phải khiến độc giả không chán, hết trang nọ phải níu kéo họ ngay sang trang kia cho đến khi gập lại trang cuối.
Hơn nữa, điều quan trọng là người viết phải có những nhận định táo bạo, hợp lý sau mỗi trang, mỗi câu chuyện để găm vào tiềm thức độc giả, khiến người đi rồi nhớ lại, người chưa đến háo hức, bồn chồn và không dẫm phải dấu chân của những người đi trước. Nhà báo Tư Mã Duy đã làm được tất cả những điều đó trong cuốn tùy bút đầu tay của anh "Những giấc mơ phục sinh" vừa được Nhà xuất bản Thế giới cùng Anphabooks phát hành.
Những nhận định táo bạo không hề thiếu trong cuốn sách này. Nhận định về Angkor rằng "đến đó, mới thấy sự bất lực của giáo lý trước sự đói khổ của con người" đến Trung Đông mà đưa ra nhận định "cá nhân tôi tin rằng Chúa sẽ không lặng thinh thêm nữa nếu như người Do Thái và người Ả rập thực sự trở nên ôn hòa hơn và học được cách tin vào nhau như họ đã từng học được cách tin vào Chúa'... cũng là những trăn trở thú vị, không dễ mà có được.
So với nhiều người, Tư Mã Duy đi chưa phải nhiều, viết cũng vậy, nhưng có lẽ, điểm cuốn hút nhất ở cuốn sách là sự liên tưởng, một chút suy tưởng lạ và xuyên suốt của giác quan tinh, nhạy. Cao hơn nữa là tính dự báo, Tư Mã Duy viết về Thái Lan dân chủ, quân chủ và vô chủ ngay sau khi Thaksin bị phế ghế Thủ tướng thì thời gian sau đó, như chúng ta đều thấy, đất nước này tiếp tục mất ổn định hơn ở quãng thời gian tiếp theo.
Sự chọn lọc là điều nói thì dễ nhưng khi cô đọng được trong từng trang viết lại hoàn toàn không dễ. May thay, đây lại là điều dễ nhận thấy trong cuốn sách của Tư Mã Duy. Những thông tin, dữ liệu, trích dẫn đều được sắp xếp khôn ngoan trong "Giấc mơ của sự phục sinh" khiến cho người đọc thêm cuốn hút dù sách không đề cập đến một điểm nóng hoặc một nơi chốn huyền bí nào đó mà bị dẫn dụ tự nhiên cùng tác giả qua nhiều miền đất, nhiều sự kiện, gặp gỡ nhiều người. Ngay việc sắp xếp lại toàn những sự kiện lớn rơi vào năm có số đuôi là 9, với 9.999 phòng trong Tử Cấm Thành, rồi Bộ Chính trị có 9 nhân sự của Trung Quốc để rồi nêu vấn đề sự ám ảnh tâm linh mang số 9 của người Trung Hoa cũng mang lại hiệu ứng độc đáo.
18 quốc gia mà Tư Mã Duy đề cập đến trong cuốn sách, nhiều chương ít nhiều đều ghi dấu ấn bởi nó chứa đựng những yếu tố trên.
Dù tác giả cũng như NXB không muốn thì đây vẫn là tập hợp của nhiều bài báo, mà Duy lại công tác tại báo điện tử, thế nên, sự ngẫm ngợi, điều cốt lõi nhất ở thể loại tùy bút còn khiêm tốn. Tác giả vốn có thế mạnh trong việc này, vì thế anh đáng được chờ đợi ở tác phẩm tiếp theo.