Quyền trừng phạt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thông tin hãng thời trang Thụy Điển H&M và sau đó là các nhãn hàng Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Uniquilo, YSL… bị phát hiện công khai đăng bản đồ có “đường lưỡi bò” trên website phiên bản tiếng Trung đã khiến cộng đồng người tiêu dùng tại Việt Nam dậy sóng.

Trang fanpage của những hãng có liên quan nghi án ủng hộ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đều nhận được hàng trăm nghìn lượt phẫn nộ cũng như bình luận phản đối.

Dù đại diện các hãng chưa lên tiếng chính thức về vấn đề nhưng việc người dân bày tỏ thái độ cũng như phản ứng trực tiếp trước những động thái vi phạm chủ quyền của đất nước là việc dễ hiểu. Không chỉ ở Việt Nam, với bất cứ quốc gia nào, chủ quyền đất nước luôn là điều thiêng liêng. Bất cứ hành động, lời nói xâm phạm chủ quyền của các nước đều bị lên án và bị trừng phạt theo cách này hay cách khác.

Việc người tiêu dùng Việt tẩy chay một nhãn hàng nào đó, với nhiều lý do, đã nhiều lần được thực hiện. Điển hình như việc người tiêu dùng kêu gọi quay lưng với nhãn hàng Trà Dr Thanh của Tân Hiệp Phát sau vụ án “con ruồi” hay việc “nước mắm nhiễm thạch tín” với sản phẩm của Masan. Hàng hoạt vụ việc khác liên quan đến những sản phẩm có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc cũng bị người tiêu dùng phát hiện, lên án mạnh mẽ và trừng phạt trong thời gian gần đây.

Với giới kinh doanh, việc “trung lập” trong các hoạt động chính trị, quan điểm chính trị vẫn luôn là yêu cầu tối thượng. Tuy nhiên, lịch sử kinh doanh thế giới cũng từng ghi nhận trường hợp các thương hiệu quốc tế phải trả giá rất đắt, thậm chí phải đóng cửa do liên quan đến những “vấn đề chính trị” ở một số quốc gia

Chuyện người tiêu dùng Việt kêu gọi tẩy chay H&M cũng như các thương hiệu khác do nghi vấn ủng hộ “đường lưỡi bò” là việc hoàn toàn cần thiết để thể hiện chính kiến và quyền của mình. Tuy nhiên, tại thời điểm này, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo trước những “sóng tin đồn”, cũng như tránh bị “dẫn dắt” cuốn vào những âm mưu của một thế lực nào đó.

Cũng có ý kiến cho rằng, với một nền kinh tế mở, đặc biệt khi hàng hóa Trung Quốc cũng như các nhãn hàng quốc tế đang cạnh tranh khá gay gắt để mở rộng thị phần ở Việt Nam, một “đòn gió” của ai đó sẽ giúp hàng Trung Quốc ngày càng tràn ngập ở Việt Nam. Lời cảnh báo này cũng không thừa vào lúc rối ren này. Thực tế cho thấy, các nhãn hàng Trung Quốc ngày càng mở rộng hoạt động tại Việt Nam cũng nguy hiểm không kém tạo ra những thị trường “phụ thuộc” 100% sau khi các doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, làm suy yếu.

Nhiều bài toán, đề án về giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào hàng hóa Trung Quốc đã được tính đến. Trong đó, việc đa dạng hóa thị trường với nhiều thành phần doanh nghiệp tham gia, bên cạnh việc có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn, sẽ giúp cân bằng mọi “toan tính” khi các thị trường có sự biến động.

Vì vậy, bên cạnh lên án mạnh mẽ các hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cần tính đến việc “tự tôn dân tộc” bằng việc tạo cơ chế, thúc đẩy cho các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, cạnh tranh sòng phẳng ở tất cả các lĩnh vực với bất cứ thương hiệu nào.

MỚI - NÓNG