Quyền lực nhân dân

Quyền lực nhân dân
TP - Sinh thời Bác Hồ dùng khái niệm “ủy thác” để nói đến việc nhân dân trao quyền lực của mình cho nhà nước. Theo đó, quyền lực của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã đều do nhân dân ủy thác cho.

Khi hết một nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ phải trao lại quyền cho người dân và nhân dân lại trao quyền ấy cho chính phủ ở một nhiệm kỳ mới do dân tuyển cử.

Các khái niệm về ủy thác, giao quyền là những khái niệm chính trị học và ở Bác các khái niệm ấy gắn chặt với nhân dân là sự khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân.

Quốc hội khóa XII kết thúc, nhiệm kỳ hội đồng nhân dân các cấp tại các địa phương kết thúc là thời điểm mà những cử tri nhận lại quyền lực từ chính quyền và trao lại quyền cho một chính quyền mới do chính cử tri bầu nên. Năm nay, trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp (22-5), cử tri cả nước sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và trên 300.000 đại biểu HĐND các cấp.

Điều này cũng có nghĩa là 62 triệu cử tri đã tin tưởng và trao quyền lực thông qua bầu cử cho số đại biểu này thông qua lá phiếu với các nguyên tắc cơ bản: Nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 62 triệu cử tri với trên 240 triệu lá phiếu, người dân đang thể hiện quyền lực thực sự của mình qua lá phiếu mà ở đó, những tâm tư, tình cảm, những đòi hỏi và yêu cầu... đối với người đại biểu của dân đã được gửi gắm.

Quyền lực của nhân dân không chỉ thể hiện qua lá phiếu mà còn được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua người đại diện cử tri tiếp tục thực hiện quyền lực của mình. Bởi lẽ đó, mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, HĐND và các cơ quan hữu quan.

Ngoài ra, các đại biểu phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc và báo cáo kết quả hoạt động của mình, của Quốc hội và HĐND với cử tri.

Người đại biểu của nhân dân còn phải tham gia trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó.

Chỉ khi nào xây dựng được mối quan hệ khăng khít với nhân dân, đại biểu Quốc hội, HĐND mới có khả năng đem được ý nguyện của nhân dân vào các nghị quyết, chương trình, các đạo luật và giám sát có hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết và các đạo luật.

Nếu không giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri, đại biểu của dân sẽ xa rời thực tiễn, không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, không thể thay mặt nhân dân quyết định đúng đắn vấn đề quan trọng của đất nước, hay địa phương nơi mình ứng cử...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG