Quyền được kỳ vọng

Quyền được kỳ vọng
TP - Lễ kỷ niệm 10 năm dịch SARS và tưởng nhớ bác sỹ Carlo Urbani (chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam tử vong do nhiễm bệnh SARS) diễn ra long trọng tại Hà Nội hôm qua.

> Virus mới tiếp tục giết người
> Cảnh báo virus gây chết người mới

Một sự kiện rất đáng nhớ bởi vị chuyên gia của WHO với tinh thần trách nhiệm cao đã cùng các bác sĩ Việt Nam chống chọi với SARS ngay từ những ngày đầu khi nguyên nhân của dịch bệnh còn chưa được xác định. Càng đáng nhớ hơn bởi Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công đại dịch SARS.

Mười năm trước, SARS đã gây ra sự hoang mang tột độ trên toàn thế giới. 32 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch với trên 8.400 người mắc, trong đó có 916 người tử vong - con số khiến bất cứ ai cũng giật mình. Riêng tại Việt Nam, trong một thời gian ngắn đã có 63 người mắc mà một nửa trong số đó là các bác sĩ, y tá tham gia điều trị.

Nhưng trong vòng chưa đầy 2 tháng, Việt Nam trở thành Quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế được đại dịch khủng khiếp này. Sự thành công được giới y học quốc tế công nhận là một kỳ tích bởi sự đầu tư về tiền bạc của Nhà nước dành cho ngành Y tế Việt Nam chưa thể sánh được với những quốc gia có nền y học hàng đầu thế giới. Việt Nam nói chung, ngành Y tế Việt Nam nói riêng có quyền tự hào về thành quả lớn lao đó!

Thực tế, việc khống chế được đại dịch SARS chỉ là một phần trong những thành tựu mà ngành Y tế Việt Nam đã đạt được. Nhìn lại cả quá trình phát triển của ngành y thì thấy những gì giới y học nước nhà làm được không thể nói là yếu kém.

Có rất nhiều thành tựu mà nganh Y tế Việt Nam đã đạt được ngang tầm khu vực và thế giới. Rất nhiều bác sĩ đầu ngành mà tên tuổi của họ được biết đến rộng rãi với đầy sự kính trọng, nể phục của giới y học thế giới. Nhưng với con số mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn trên 2 tỷ USD, không biết những cán bộ ngành Y tế Việt Nam nghĩ gì?

Tâm lý “sính ngoại” của người bệnh là một chuyện. Sự quá tải của các bệnh viện, thái độ khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân của bác sĩ, y tá không tốt, tình trạng lót tay phong bì phổ biến... đã gián tiếp “đẩy” không ít bệnh nhân phải ra nước ngoài chữa trị.

Trả lời Tiền Phong trong số báo Xuân năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ngành Y tế kiên quyết đấu tranh loại bỏ những tiêu cực, nêu cao những gương tốt tận tụy vì công việc, hết lòng vì người bệnh để giảm bớt những hành vi xấu.

Đấy là giải pháp cần thiết để lấy lại niềm tin của người bệnh vào những vị “lương y như từ mẫu”. Nhưng xa hơn, từ những thành tựu đạt được, xây dựng một “thương hiệu” cho ngành y tế Việt Nam để thu hút vốn đầu tư vào y tế, thu hút người nước ngoài tới khám chữa bệnh tại Việt Nam cũng là điều mà ngành Y cần tính tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.