Quyền được đi bộ

Quyền được đi bộ
TP - Trong một cuộc tọa đàm mới đây về chủ đề giao thông đô thị tại Viện Goethe Hà Nội với diễn giả chính là Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng, có bác lớn tuổi bức xúc đứng lên chất vấn ông Hùng một “chuyện nhỏ” rằng :

> Hà Nội: Đề xuất hai phương án thu phí hè, đường
> Không cấp phép kinh doanh vỉa hè

Bà cảm thấy bị xúc phạm mỗi khi đi bộ bởi vỉa hè thủ đô hầu như không còn chỗ, toàn phải đi xuống lòng đường. Biết là vi phạm Luật Giao thông và nguy hiểm cho tính mạng nhưng không còn cách nào khác. Ông Hùng trả lời đại ý, đó là chuyện lớn chứ không hề nhỏ như bà nói. Bởi cả chục năm nay “cuộc chiến” vỉa hè Hà Nội vẫn trong thế “giằng co” giữa chính quyền và người dân mà không có hồi kết.

Đúng vậy, nếu ai đó từng đi bộ trên đường phố Hà Nội một đoạn đủ dài, chắc chắn phải có chiến thuật đi “đánh võng” hình chữ chi giữa vỉa hè và lòng đường, khi thì tránh bãi giữ xe lúc lại tránh gánh bún đậu mắm tôm hay bà bán chè chén, thậm chí phải né cả những vị cởi trần trùng trục chỗm chệ ngồi hớt tóc hay chơi cờ tướng giữa vỉa hè. Ta thì khó chịu, thậm chí như bác lớn tuổi nói trên còn thấy bị xúc phạm vì “không tôn trọng quyền được đi bộ của người dân”, nhưng Tây đi du lịch sang ta lại thấy khoái vì lạ ! Lạ bởi như một nhà báo Đức nói với người viết bài rằng, “vỉa hè, lòng đường Hà Nội sống động quá! Có cảm giác như mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra ở đây chứ không phải đằng sau cánh cửa như người châu Âu”.

Xe máy và vỉa hè Hà Nội có thể đã trở thành “nét văn hóa” thú vị dưới con mắt du khách nước ngoài. Tuy vậy, nét đặc sắc này có liên quan mật thiết đến trình độ phát triển kinh tế - xã hội, liên quan tới kế sinh nhai của cả triệu người dân. Một quán chè chén vỉa hè dưới gốc cây, một gánh bún đậu, một gánh hàng rong... có khi giúp nuôi sống cả một gia đình. Nhà cửa Hà Nội chật chội, 70-80% dân số sống trong các ngõ ngách, nên mặt tiền quý hơn vàng, cửa hàng cửa hiệu san sát.

Chủ trương xây dựng những tuyến phố văn minh, đường thông, hè thoáng, trả lại vỉa hè cho người đi bộ là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, những phố nào, thời điểm và cách làm ra sao lại là cả một vấn đề.

Cảnh bên trong các cửa hàng sáng choang trên phố Tràng Tiền, Hàng Khay... ních đầy xe máy của khách nom rất phản cảm, chỉ vì quy định cấm để xe máy trên vỉa hè. Nực cười hơn, ngay đằng sau tấm biển “Cấm để xe máy, cấm bán hàng rong” lại chình ình mấy chiếc xe máy, lúi húi bà bán cam lẫn mẹt thịt lợn. Cuộc mưu sinh thường nhật của người dân, dù không muốn vẫn phải diễn ra, vẫn phải tồn tại. Dân phòng, công an phường đi khuất, bà nước chè, cô bún đậu... lại lục tục bầy hàng hệt như trò ú tim. Đâu lại vào đấy. Người dân nhờn luật ngang nhiên vi phạm vì nhiều lý do, trong đó có chất lượng và đạo đức của những người thực thi công vụ.

Vẫn biết quyền đi bộ và quyền mưu sinh của người dân, cái nào quan trọng hơn. Song trong quản lý xã hội, khó có thể hy sinh hoàn toàn quyền lợi của nhóm người này cho nhóm người khác. Vấn đề là cái tài và cái tâm của những người quản lý tới đâu để giải quyết hài hòa những quyền trên trong bối cảnh hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.