Quy tắc ứng xử góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Hà Nội ban hành hai bộ quy tắc ứng xử với mong muốn xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Hà Nội ban hành hai bộ quy tắc ứng xử với mong muốn xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho biết, việc thực hiện quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội đã khắc phục được, các hiện tượng, hình ảnh phản cảm về thái độ ứng xử của cán bộ công chức khi phục vụ, giao tiếp với công dân gây bức xúc trong dư luận như trước đây đã cải thiện đáng kể.

Được biết, vừa qua HĐND thành phố thực hiện khảo sát, đánh giá về việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố? Kết quả cho thấy hai bộ quy tắc ứng xử đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ban hành và tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố là nội dung quan trọng góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là gìn giữ truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua.

Từ ngày 18/9/2020 đến ngày 02/10/2020, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức khảo sát nhằm đánh giá kết quả sau hơn 3 năm thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử nêu trên. Qua khảo sát cho thấy công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về hai Bộ Quy tắc ứng xử được cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan đơn vị, các đoàn thể chính trị xã hội từ Thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn quan tâm, triển khai thực hiện với phương thức đa dạng, trong đó chú trọng nhiều hình thức trực quan sinh động.

Đặc biệt, Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết ở vị trí dễ quan sát tại hầu hết các địa điểm công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng như nhà văn hóa, vườn hoa, công viên, điểm di tích, điểm tham quan du lịch... trên địa bàn thành phố để người dân chấp hành và tham gia giám sát. Các cơ quan thông tấn, báo chí của thành phố duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Nhiều địa phương, đơn vị phát động thi đua, tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với các sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn; đồng thời bổ sung nội dung quy tắc vào các hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố; nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả trong lồng ghép thực hiện quy tắc ứng xử với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của người dân, có kết quả tích cực.

Từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau hơn 3 năm triển khai, với những cách làm sáng tạo, với nhiều mô hình hiệu quả, hai bộ quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã thu hút được sự quan tâm của người dân, định hướng người dân những việc nên làm và không nên làm ở nơi công cộng, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực trong ứng xử, điều chỉnh thái độ, hành vi nơi công cộng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Với cán bộ, công chức tại các cơ quan thành phố, việc thực hiện quy tắc ứng xử đã góp phần nâng cao đạo đức công vụ, phục vụ người dân như thế nào?

Khảo sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức cho thấy, nội dung quy tắc được niêm yết công khai tại tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; việc thực hiện quy tắc ứng xử được đưa vào nội dung các buổi sinh hoạt chi bộ, công đoàn, chi đoàn, các buổi giao ban định kỳ. Quy tắc ứng xử cũng được đưa vào đánh giá cán bộ, công chức; trong đó có nêu gương những ai thực hiện tốt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử, nhắc nhở, phê bình những trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc.

Việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức có chuyển biến ngày càng rõ nét với tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ niềm nở, tận tình, được nhân dân ghi nhận. Khảo sát ở một số địa phương cho thấy đã khắc phục được, không còn xảy ra các hiện tượng, hình ảnh phản cảm về thái độ ứng xử của cán bộ công chức khi phục vụ, giao tiếp với công dân gây bức xúc trong dư luận như trước đây. Nhiều mô hình như “Bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện”, “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”…; nhiều điển hình cán bộ, công chức sẵn sàng phục vụ người dân giải quyết các thủ tục hành chính ngoài giờ quy định được biểu dương.

Nhiệm kỳ này, Hà Nội xác định phát triển nguồn lực văn hoá, văn minh. Cần làm gì để phát huy nguồn lực này, trong đó có vai trò của hai bộ quy tắc ứng xử, thưa ông?

Là trung tâm văn hóa lớn, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của dân tộc, nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội ngày càng phong phú và giàu có. Trên hết, giá trị nguồn lực văn hóa Thủ đô nằm ở phẩm chất con người Hà Nội. Đây là nguồn lực to lớn và quý giá nhất cho phát triển Thủ đô. Đại hội XVII Đảng bộtThành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025 là phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô.

Để bảo vệ và phát huy nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vững bền của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, trước hết cần đặt văn hóa và con người vào trung tâm của các chiến lược, chính sách phát triển; cần xây dựng trụ cột phát triển của Hà Nội dựa trên năng suất và sáng tạo.

Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Gìn giữ những nét đẹp truyền thống và trau dồi những phẩm chất người Hà Nội thích ứng với thời đại mới, đó là xây dựng người Hà Nội nhân ái, trọng nghĩa, trọng tình, ứng xử tao nhã, phong cách hào hoa, năng động, sáng tạo. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; khơi dậy trong mỗi người dân Hà Nội tinh thần tự hào, tình yêu và trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh. Duy trì và nhân rộng kết quả đạt được thời gian qua trong thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố là giải pháp cụ thể, thiết thực để giữ gìn và lan tỏa nguồn lực văn hóa Thủ đô.

MỚI - NÓNG