Quy hoạch đô thị sông Hồng: Xây dựng đường ven sông quanh khu dân cư trung tâm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại các quận trung tâm sẽ được xây dựng một tuyến đường ven sông nhưng cao trình mặt đường không cao hơn cao trình đê bối hiện có. Tuyến đường sẽ bảo vệ khu dân cư, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với Quy hoạch 257/QĐ-TTg.

Mới đây, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình về việc đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho chủ trương chỉ đạo trước khi phê duyệt 2 đồ án quy hoạch bao gồm: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống tỷ lệ 1/5000) từ Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng).

Riêng với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được quan tâm, Ban Thường vụ Thành ủy đã cơ bản thống nhất với Ban cán sự Đảng thành phố quan điểm giải quyết về quy hoạch đô thị. Theo đó, đồ án quy hoạch phân khu đô thị phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

Đồng thời, nghiên cứu khảo sát kỹ, thận trọng các khu dân cư hiện có theo đúng ý kiến của Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ghi nhận tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt nội dung theo thẩm quyền.

Đáng chú ý, đối với khu vực đông dân cư các quận nội đô, Hà Nội thống nhất không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới, không thu hẹp không gian thoát lũ, không xây dựng đê mới trong đê cũ,

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tại các quận trung tâm sẽ được xây dựng một tuyến đường ven sông nhưng cao trình mặt đường không cao hơn cao trình đê bối hiện có. Việc này thực hiện với mục tiêu nếu nước lũ dâng lên vẫn có thể bảo vệ khu dân cư nhưng không ảnh hưởng đến dòng chảy. Vì nước có thể tràn qua tuyến đường và rút đi khi lũ rút. Đường ven sông chỉ phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với Quy hoạch 257/QĐ-TTg.

Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan cập nhập danh mục các khu dân cư hiện có ở khu vực bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

Quy mô dân số tính toán theo quy hoạch tối đa khoảng 300.000 người (có điều chỉnh) đảm bảo tuân thủ Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Chức năng chính của khu đô thị là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Hiện Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung bổ sung dữ liệu bản đồ, dữ liệu dân cư hiện trạng theo ý kiến của Bộ NN&PTNT.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.