Theo ông Nghĩa, dù Bộ GD&ĐT chưa hoàn thiện được cả hai quy chế về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng những giải pháp kỹ thuật cơ bản tổ chức kỳ thi đã được định hình. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được thực hiện trên cơ sở kế thừa những thành công của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. “Tất nhiên, trong hai kỳ thi đó có một số vấn đề cần phải được điều chỉnh, ví dụ Bộ sẽ không để xảy ra những trường hợp có môn thi mà cả một hội đồng thi chỉ có một thí sinh dự thi, hoặc cũng sẽ không còn tình trạng thí sinh phải dự thi tới 2 môn/ buổi thi”, ông Nghĩa nói.
Có ba nhóm thí sinh
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, những thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi vào khoảng tháng 3/2015. Các thao tác đăng ký dự thi sẽ hệt như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 nhưng thay vì đăng ký dự thi vào trường nào thì giờ đây các em sẽ đăng ký dự thi những môn nào, đồng thời các em sẽ phải trình bày rõ mục đích dự thi. Căn cứ vào mục đích dự thi, Bộ GD&ĐT sẽ chia thí sinh dự thi thành ba nhóm: (1) Những em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT; (2) Những em vừa có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT vừa có nhu cầu xét tuyển sinh ĐH, CĐ; (3) Những em chỉ có nhu cầu thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Với học sinh nhóm (1), ngoài 3 môn bắt buộc là Toán - Văn - Ngoại ngữ, các em đăng ký thêm một môn nữa (môn tự chọn). Tuy nhiên, những em nhóm này nếu thuộc diện được phép chọn môn thay thế môn Ngoại ngữ (việc này sẽ do Sở GD&ĐT xem xét phân loại) thì được chọn môn thay thế. Những học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT đã công bố thì sẽ được miễn thi, thậm chí các em được tính điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp. Ông Nghĩa giải thích: “Đạt các chứng chỉ này nghĩa là các em đều có năng lực Ngoại ngữ cao hơn so với năng lực mà Bộ yêu cầu về chuẩn đầu ra với học sinh cấp THPT”.
Với học sinh nhóm (2), các em vẫn phải dự thi 4 môn tối thiểu (trong đó có 3 môn bắt buộc). Ngoài ra các em có thể đăng ký thi thêm từ 1 đến 4 môn còn lại (tùy khả năng, nguyện vọng của từng em) để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhóm (3) chỉ đăng ký những môn liên quan tới nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ của mình.
Mỗi cụm thi tối thiểu có thí sinh hai tỉnh
Về cơ bản, thí sinh sẽ được dự thi tại các cụm thi do một trường ĐH nào đó chủ trì. Việc giao cho trường ĐH nào chủ trì cụm thi, Bộ còn phải cân nhắc nhiều bởi không phải trường ĐH nào cũng có đủ điều kiện để chủ trì cụm thi. Ông Nghĩa cho biết, theo lần khảo sát mới đây, Bộ có thể tổ chức thi ở 34 cụm thi. Tuy nhiên, hiện Bộ vẫn chưa chốt sẽ thi ở bao nhiêu cụm vì ngoài năng lực chủ trì của trường ĐH, Bộ còn phải xét tới các yếu tố khác như sự thuận lợi của thí sinh. Nguyên tắc chung là thí sinh phải được di chuyển trên quãng đường ngắn hơn so với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước, đồng thời đảm bảo thí sinh được “trộn” giữa các địa phương.
Riêng một số địa phương thuộc các khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc, Bộ GD&ĐT dự kiến có thể cho phép thành lập cụm thi tại tỉnh nếu UBND tỉnh đề nghị. Trong trường hợp này, Bộ sẽ điều động một trường ĐH ở khu vực trung tâm đến địa phương để chủ trì cụm thi. Ông Nghĩa khẳng định: “Như vậy trên toàn quốc vẫn chỉ có một mô hình cụm thi hoạt động theo quy chế thống nhất với đơn vị chủ trì tổ chức thi là một trường ĐH”.
Sử dụng kết quả thi: các trường ĐH tự chủ
Ông Nghĩa cho biết, việc xét tốt nghiệp THPT năm 2015 vẫn giữ ổn định như năm 2014, nghĩa là kết quả học tập của học sinh lớp 12 sẽ chiếm 50% số điểm, điểm thi sẽ chỉ chiếm 50%. Ngoài kết quả học tập và điểm thi, thí sinh sẽ được xét cả điểm ưu tiên, khuyến khích.
Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia như thế nào vào việc xét tuyển ĐH, CĐ sẽ do từng trường quyết định. Sau khi có điểm thi, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào trường mà mình muốn học. Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT so sánh: “Đây là đặc điểm khác của kỳ thi THPT quốc gia so với kỳ thi ba chung. Với kỳ thi ba chung, các trường tham gia bắt buộc phải sử dụng kết quả thi để xét tuyển và còn bị khống chế bởi điểm sàn. Nhưng với kỳ thi này các trường không bắt buộc phải sử dụng kết quả”.
Ông Nghĩa cũng cung cấp thông tin: “Theo báo cáo của 428 trường ĐH, CĐ thì gần như tất cả các trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, nếu chia theo mức độ sử dụng thì có hai nhóm. Một nhóm gồm 235 trường trong đó 135 trường ĐH, học viện và 100 trường CĐ chỉ sử dụng kỳ thi THPT quốc gia. Có 192 trường, trong đó có 81 trường ĐH và 111 trường CĐ vừa sử dụng kỳ thi THPT quốc gia, vừa sử dụng kết quả học tập để xét tuyển, theo phương thức một phần nọ một phần kia. Ví dụ có trường sẽ lấy 50% chỉ tiêu từ kết quả kỳ thi THPT, 50% còn lại từ kết quả học tập.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc những thí sinh nhóm (1) có được quyền sử dụng kết quả 4 môn thi vốn chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp của mình để đăng ký vào những trường ĐH, CĐ có tổ hợp môn thi tương ứng, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định điều này sẽ do các trường ĐH, CĐ tự quyết. Quy chế mà Bộ đang dự thảo sẽ phát huy quyền lợi tối đa của thí sinh, đồng thời tôn trọng quyền tự chủ của các trường.