> 'Hoàng Sa của An Nam là không tranh cãi'
Tổ quốc hiện hữu trên những lá cờ - ảnh chụp tại cửa biển Nghĩa An (Tư Nghĩa – Quảng Ngãi). Ảnh: Nam Cường. |
Cột mốc giữa trùng khơi
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà – Đà Nẵng) thấp đậm, đen như trũi, nhưng đôi mắt luôn biết cười. Không có buổi tuyên dương ngư dân nào của chính quyền, BĐBP mà thiếu thuyền trưởng Chiến. Dù các thuyền ra khơi, tìm cho mình những luồng cá riêng, là những cuộc chơi đơn lẻ, nhưng với Chiến, ngư trường Hoàng Sa luôn cần có anh như một nhạc trưởng của ngư dân.
Cách đây mấy ngày, Lê Văn Chiến (tàu ĐNa 90351) đã quyết định bỏ cả chuyến biến sắp đi để cứu một tàu của Thừa Thiên Huế đang gặp nạn. Mới xuất bến lúc 14h30 chiều, đi được 18 hải lý thì vô tình thấy tàu TTH 9559 đang cầu cứu trong tuyệt vọng. Thuyền trưởng Chiến quyết định dừng chuyến, quay lại cứu tàu, dù biết sẽ lỗ tổn rất nhiều.
“Cứ nghĩ như thế này, mình cứu họ hôm nay, ngày mai mình gặp nạn sẽ có tàu khác cứu. Luật chơi của biển là thế rồi. Bà con ngư dân bao đời nay là vậy. Phải đoàn kết, sẵn sang chết vì nhau để cùng ra đánh bắt Hoàng Sa” – anh Chiến tâm sự.
Đã nhiều lần ngồi nghe anh kể về những hải trình nguy biến, chạm trán nhau như cơm bữa với ngư dân và tàu hải giám Trung Quốc, mỗi lần kể với anh lại như mới. Theo anh Chiến, mỗi năm trung bình 10 chuyến biển, mỗi chuyến không dưới 15 ngày, lần nào cái lo nhất của người thuyền trưởng Hoàng Sa cũng là nhân tai.
Câu chuyện về bức bình phong trên biển giữa năm 2011 với anh là một ví dụ. Khi báo chí Việt Nam và quốc tế lên án về hành động bắt, cướp tàu ngư dân Việt, phía Trung Quốc thay đổi chiến thuật, lập bình phong, án ngữ đường huyết mạch ra ngư trường Hoàng Sa của ngư dân miền Trung.
Lần đó, những Lê Văn Chiến, Hồ Ngọc Thạnh, Lê Dũng, Nguyễn Văn Dũng… đã vô cùng vất vả, cộng thêm sự liều lĩnh mới vượt qua bình phong. Hồ Ngọc Thạnh (tàu ĐNa 90449) nói, chỉ cần sợ hãi hoặc nản chí, nhiều thuyền trưởng rất có thể chọn cho mình ngư trường Trường Sa, xa hơn, an toàn hơn. Nhưng với anh thì không thể, bởi đã quen thuộc với Hoàng Sa rồi. Bởi ngư trường đó là của ta.
Mai Văn Hảo – con trai Mai Phụng Lưu – thế hệ thuyền trưởng thứ 3 . |
Cả Lê Văn Chiến và Hồ Ngọc Thạnh cũng như nhiều thuyền trưởng đang lo lắng, đến đời thuyền trưởng thứ 3, sau các anh, e rằng hậu sinh không còn mặn mà với biển. Sau cơn bão Chan Chu khủng khiếp năm 2006, các làng chài miền Trung dấy lên nỗi sợ mơ hồ, một ngày nào đó, ngư dân bỏ biển lên bờ.
Anh Chiến thuộc thế hệ thuyền trưởng thứ 2, giờ trở thành cây đa cây đề trên biển, sau một loạt những tài công nổi tiếng ở Đà Nẵng như Nguyễn Văn Trọng, Lê My Em, Năm Treo, Lê Văn Hoài, Đỗ Văn Xin… giã từ biển khơi vì tuổi tác hoặc những lý do khác nhau. 26 năm phần nhiều lênh đênh trên biển, giờ anh đang giật mình lo lắng cho thế hệ thuyền trưởng thứ 3.
Ngay trong nhà anh, với 3 anh em trai, chỉ có Chiến theo biển. “Nghề nào, suy cho cùng cũng là miếng cơm manh áo, nhưng phải đam mê, rồi mới đủ đầy kinh nghiệm, sự nhạy cảm xử lý tình huống, phán đoán luồng nước. Chim chết vì ná cá chết vì nước mà”.
Những ngày thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) thất nghiệp đi giăng lưới ven bờ, con trai anh – Mai Văn Hảo, đứng ngồi không yên. Cuối năm 2010, mới vào bờ sau chuyến biển giông bão, bị Trung Quốc bắt cả tháng, Hảo ở nhà mấy ngày rồi nhảy tàu vô Bình Châu xin đi bạn. Sói biển Mai Phụng Lưu tâm sự rằng, đời anh may mắn có đến 2 đứa con sẽ nối nghiệp biển khơi, cầm bánh lái, đó là con trai và con rể Trần Văn Hải. Năm lần bầm dập ngoài khơi thì cả 5 lần đều có mặt cả con trai và con rể.
Hảo đã 18 tuổi, không cao lớn, nhưng đen và chắc như gạch nung già lửa. Rượu uống cả lít, đã có thể thay cha điều khiển tàu. Lần vào Bình Châu không tìm được thuyền đi bạn, phải vào miền Nam kiếm sống, Hảo buồn bã: Họ nói cha con ông Lưu xui lắm, đi thuyền là bị bắt miết, thôi chối cho nó lành.
Vào miền Nam làm công nhân, Hảo ngứa ngáy chân tay cả ngày, nhớ biển chịu không nổi, đành quay về đảo Lý Sơn, năn nỉ chủ tàu. Cầm cố nhà cửa, vay ngân hàng, thế chấp sổ tàu, anh Lưu lại sắm được thuyền mới, Hảo tâm sự: Đời biển bạc thế đấy anh ạ, chẳng trách chi giờ cỡ tuổi như em không còn ai muốn ra khơi nữa. Chỉ thương những người như ông Đảng, suốt đời đạp trên sóng, cuối đời bị sóng vùi lấp, hương khói nhang đèn cũng chỉ là mộ gió.
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến một lòng với biển. |
Tổ quốc trên những lá cờ
Anh Chiến tâm sự, ở Hoàng Sa, người thuyền trưởng vô cùng quan trọng, tất cả sự phán đoán, ứng xử của anh quyết định thành bại cả tàu, và cũng có thể là nước mắt, máu và tính mạng. “Nói thiệt, ở Hoàng Sa tụi tui đụng tàu Trung Quốc hoài, hải giám có, ngư dân có, rồi cả tàu thăm dò địa chất, mình phải cùng anh em ứng xử sao cho khôn khéo, nếu cần nhún nhường, có khi phải bỏ chạy. Nhưng có một nguyên tắc tui không bao giờ thay đổi là không hạ cờ.
Nhiều lần họ bắn dọa, rồi nhảy sang đuổi mình đi, mình năn nỉ khéo. Còn hạ cờ nhất quyết không, đó là cờ Tổ quốc mình. Hạ cờ, khác nào thừa nhận mình sai, xâm phạm vào lãnh thổ của họ”. Nguyên tắc này, theo Chiến, mỗi lao động lên tàu đều được anh răn đầu tiên. Có thể sợ sệt lo lắng, có thể mất tài sản, nhưng khi mình còn đứng vững, cờ Tổ quốc luôn phần phật bay.
Giữa Hoàng Sa, đây là lần duy nhất tàu của Mai Phụng Lưu không treo cờ vì bị hạ, trước tàu anh là tàu ngư chính Trung Quốc đang lai dắt. Ảnh: Nam Cường . |
Trong lần may mắn được ra Hoàng Sa, tôi chứng kiến một câu chuyện cực buồn với thuyền trưởng Mai Phụng Lưu. Đó là lần phải chứng kiến lá quốc kỳ trên tàu mình bị hạ. Sói biển tâm sự, anh bị bắt nhiều nhất cũng có lẽ khi tới Hoàng Sa, đi sát ngang đảo nhưng chưa bao giờ anh giấu quốc kỳ.
“Tôi biết có nhiều tàu ta khi đi ngang Hoàng Sa thường giấu cờ, thoát khỏi tầm kiểm soát mới treo lên. Tôi thì không”. Anh Lưu kể, lần thứ 5 bị bắt vào đảo Phú Lâm, bị tịch thu hết tài sản, trả cho về chiếc tàu không, nhưng vẫn có lá cờ. Ấy vậy rồi, không hiểu sao, sau 5 ngày vùi dập vì bão, dù lá cờ rách bươm, nhưng khi được cứu và lai dắt vào Trụ Cẩu, họ vẫn bắt hạ cờ, chỉ để con tàu trống trơn.
Kể cả cho đến ngày trao trả, anh Lưu ngỏ ý muốn xin lại lá cờ cũng không được. Rồi cái ngày tàu Cảnh sát biển 6006 của ta xuất hiện gần đảo Trụ Cẩu, với lá quốc kỳ bay phần phật, không ai bảo ai, toàn tàu rơi lệ. Ngay sau đó, các chiến sĩ Cảnh sát biển và ngư dân đã cắm quốc kỳ lên tàu QNg 66478. “Khi ấy chúng tôi đã khóc …” – anh Lưu nói.
Thủa trước, những hùng binh Hoàng Sa lên đường trên những chiến thuyền bảo vệ giang sơn, có thẻ bài, có chiếc chiếu cùng sợi dây mây. Những thứ này là để bó xác chiến binh bởi họ ra đi không hẹn ngày về, nhưng giờ đây, hàng trăm con tàu – cột mốc giữa biển Đông, không cần thẻ bài, cũng chẳng cần sớ lệnh, với họ, Tổ quốc đã hiển hiện trên những lá cờ, và ở trong tim.