Quốc khánh giữa trùng khơi

Cờ Tổ quốc tung bay giữa Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường
Cờ Tổ quốc tung bay giữa Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường
TP - Nhiều tàu cá miền Trung, trong những ngày này vẫn miệt mài đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Những thuyền trưởng dạn dày sương gió gần như năm nào cũng đón ngày Quốc khánh cùng tàu cá lênh đênh trên biển Đông. Dù vất vả, nhưng đúng ngày 2/9, tàu nào cũng có bữa cơm tươm tất hơn ngày thường.

“Nghỉ tay, chào cờ!”

Tôi lần lượt gọi cho hầu hết những thuyền trưởng dày dạn ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, chỉ để chúc mừng ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Tất cả đều nằm ngoài vùng phủ sóng. “Đi biển hết rồi, họ đang ở ngoài khơi.

Tui bị đau nên giao tàu cho ông anh. Tàu Đà Nẵng nằm hết ngoài đó” – Hồ Ngọc Thạnh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90049 tỏ vẻ “chán nản” vì dịp này phải nằm nhà, không được ở giữa biển cùng lao động của mình. Mấy năm liền, đây là lần đầu tiên Hồ Ngọc Thạnh (Xuân Hà, Thanh Khê) “nghỉ lễ” ở nhà.

Tôi kết nối liên lạc qua Icom với tàu ĐNa 90039, con tàu từng đưa PV Tiền Phong thực hiện chuyến tác nghiệp đầy bão tố ở vùng biển giàn khoan tháng 5 vừa rồi. Tàu đang ở rất xa, vượt ra khỏi tọa độ nơi Trung Quốc từng hạ đặt giàn khoan. 

Thời tiết không thuận, ông Còn B nói tiếng được tiếng mất: “Anh em vẫn khỏe, đang dồn hết tốc lực kéo lưới. Mấy ngày hôm nay biển động, chẳng làm ăn gì được. Bây giờ đang kéo lưới, cho thả dù. Thấy luồng cá thì thả lưới. Nhưng tình hình này, chắc là được thoải mái nhậu đón mừng lễ” - ông Còn B cười oang oang trong Icom. 

Quốc khánh giữa trùng khơi ảnh 1

Cờ Tổ quốc tung bay giữa Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường 

Đã từng đi biển cùng nhiều tàu ngư dân, nhưng về sự ngăn nắp và nghiêm chỉnh, quả thực tôi chưa thấy tàu nào qua được ĐNa 90039. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B, tức chú Tám, nói một câu, tất cả răm rắp nghe theo. Thời buổi đói thuyền viên, cạy cục năn nỉ lao động có khi còn ứng cho cả tiền trước, úy lạo gia đình thuyền viên. Nhưng tàu chú Tám lúc nào cũng đông đủ quân số, có khi còn dư. 

Ông kể, giọng rì rào qua Icom sóng biển khi tôi hỏi thăm về bữa rượu, mồi mè cho dịp Quốc khánh 2/9: “Có chứ, ngày thường đi chuyến biển 25 ngày đem khoảng 15 két bia, nhưng chuyến này mang thêm. Tui chủ động mua thêm mấy két”. 

Icom được trao qua cho anh Nguyễn Văn Trường, máy trưởng: “Năm nào cũng thế, thông lệ quen rồi. Đúng ngày 2/9, anh em nào đang làm trên boong cũng được thuyền trưởng nhắc: Nghỉ tay chút để chào cờ, anh em. Lúc ấy, cảm xúc nó kỳ lạ lắm”.

Icom lại được chuyển tần số qua tàu ĐNa 90351, cách tàu ĐNa 90039 khoảng 10 hải lý. Thuyền trưởng Chiến vui vẻ: “Mấy ngày trời biển động không làm ăn được gì, nhưng trước đó cũng tranh thủ được nửa khoang rồi. Qua dịp lễ Quốc khánh thì về”. Anh Chiến cho hay, trước ngày đi, biết được chuyến biển sẽ kéo qua ngày Quốc khánh, anh đã tự tay đi mua 6 lá cờ Tổ quốc mới tinh cho treo lên. 

“Treo 2 cái, số còn lại cất đó, đề phòng gió bão đánh rách, đề phòng nhiều thứ rủi ro nếu cờ bị mất, sẽ có cái khác mà thay ngay. Ngày Quốc khánh, ở nhà mình có treo cờ thì trên tàu, giữa biển này mình cũng thay cờ mới cho tươm tất. Để anh em còn chào cờ đúng ngày đó” – anh Chiến nói.

“Người mở Hoàng Sa” nhớ tiếng ốc u

Tại đảo Lý Sơn, hàng chục tàu thuyền cũng đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa trong dịp Quốc khánh. Cũng như ngư dân Đà Nẵng, nhiều tàu ở Lý Sơn trong chuyến đi lần này đã thay cờ mới, chuẩn bị đón ngày Tết Độc lập giữa trùng khơi. 

Có một thuyền trưởng, dịp này ở nhà, nhưng ông là người ở Lý Sơn đón Tết Độc lập nhiều hơn tất cả những ngư phủ lão luyện ở Lý Sơn. Đó là lão ngư Dương Minh Thạnh (An Hải, Lý Sơn). Ông Thạnh được các thế hệ ngư dân trẻ Lý Sơn ngày nay xem như vị chỉ huy trưởng đội Hoàng Sa, kể từ sau sự kiện Trung Quốc đưa quân chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974.

Quốc khánh giữa trùng khơi ảnh 2

Bữa cơm ngày lễ giữa biển có thêm những lon bia 

Đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng lão ngư Dương Minh Thạnh, chủ tàu cá QNg 96059 trông vẫn trẻ hơn so với tuổi của mình. Gia đình có nhiều thế hệ đi biển nên đối với ông, việc gác chèo lên bờ để nghỉ chưa nghĩ đến. Không phải vì kế sinh nhai mà vì “bện” với biển, với nghề.

Năm 1981, trước khi bước chân xuống tàu đi Hoàng Sa, ông Thạnh là Bí thư đoàn xã. Đầu năm 1982 nhà nước có chủ trương đóng tàu cá giao cho ngư dân vươn khơi làm ăn và bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Ông và anh ruột là Dương Minh Chính cùng Nguyễn Lợi (62 tuổi) được chọn để nhận tàu vươn khơi. Rồi tiếp theo đó, 3 chiếc tàu gỗ mang số hiệu 071, 072, 073 được giao cho ba người. Đây là những con tàu gỗ lớn nhất đảo Lý Sơn lúc bấy giờ, mỗi tàu đều chỉ công suất 20 CV. 

“Khi ấy, có máy móc, thiết bị hiện đại gì đâu, chỉ mỗi cái la bàn và chiếc bản đồ cũ mấy anh em phải thức suốt đêm để lên phương án, hết kẻ vẽ đo đạc để xác định tọa độ, xác định dòng nước chảy, thời gian đi về, rồi lập phương án vươn khơi sao cho hợp lý. Cuối cùng chúng tôi quyết định cả ba tàu cùng từ Lý Sơn vươn khơi Hoàng Sa. Và từ đó, cuộc đời tui gắn với biển cho đến nay” – ông bùi ngùi. 

Chuyến biển đầu tiên, cả 3 tàu dàn hàng ngang tiến thẳng Hoàng Sa, chiếc này cách chiếc kia từ 2-3 hải lý. Chiếc nào phát hiện đảo thì sử dụng tiếng còi ốc u để báo hiệu cho nhau cùng thả lưới. Như giao hẹn, sau gần 2 ngày lênh đênh trên biển, tàu 071 của anh Lợi phát hiện đảo Tri Tôn (đảo gần nhất từ Lý Sơn ra Hoàng Sa), tiếp cận được đảo cả 3 tàu khẩn trương thả lưới. Và chỉ với 3 mẻ lưới là các tàu đều đầy ắp cá chuồn. Cuốn lưới, đánh dấu bản đồ, xác định tọa độ, cả 3 tàu tăng tốc tiến về đất liền. Phiên biển đầu tiên ấy họ đã trúng lớn.

Liên tiếp những năm sau đó, đội tàu cá 071, 072, 073 đã thực hiện hàng loạt các chuyến biển ở Hoàng Sa với những khoang cá đầy.

Những lúc rảnh rỗi, những chiếc tàu cá này còn rong ruổi khắp đảo nổi, đảo chìm tại Hoàng Sa. Thực hiện hàng ngàn chuyến biển, mỗi chuyến biển là mỗi kỷ niệm của ông Thạnh với Hoàng Sa. Nhưng đối với lão ngư này thì ký ức về trận bão số 1 năm 1991 là vết hằn sâu khó quên.

“Tôi nhớ hôm đó là ngày 26/5/1991, khi đang cho tàu thả lưới gần đảo Bom Bay thì bão số 1 bất ngờ đổ bộ vào Hoàng Sa. Sau những cơn gió hung hãn rít mạnh là những cột sóng cao như núi liên tục xô bờ, dù đã được neo kỹ nhưng chỉ vài cơn sóng dữ con tàu cá cùng toàn bộ ngư cụ bị sóng biển đánh tan, 13 ngư dân dìu nhau trong biển lạnh, hai mươi hai ngày bám trụ trên thân đèn biển, hết lương thực không nước uống, còn độc chiếc quần đùi rách nát các ngư dân ăn cá sống và uống nước biển để cầm hơi mong có tàu cá bạn đến ứng cứu”. 

Quốc khánh giữa trùng khơi ảnh 3

Lão ngư Dương Minh Thạnh với chiếc la bàn từ thời mở biển Hoàng Sa 

May mắn khi bão tan, một tàu cá Bình Định xuất hiện cứu vớt, đưa các ngư dân trở về. Ở nhà, tang lễ đã được chuẩn bị. Ngư dân Nguyễn Lợi, chủ tàu cá 071 xúc động kể lại: “Khi bão vừa tan, tàu chúng tôi vừa chở thi thể của 9 ngư dân Lý Sơn bị nạn trong bão vào đất liền, vừa tìm kiếm tung tích tàu cá 073 trên biển, tất cả sự tìm kiếm đều vô vọng bởi cơn bão quá hung hãn, tàn phá tất cả những gì khi quét qua”. 

Ở đất liền thấy tàu 071 trở về nhưng chờ mãi không thấy tàu 073 cùng 13 ngư dân về cùng, gia đình người thân của các ngư dân đi trên tàu 073 chỉ còn biết khóc than, bởi họ nghĩ rằng những ngư dân này đã tử nạn trên biển. Vì vậy, lo xong hậu sự cho 9 ngư dân xấu số, tàu của tôi lại khẩn trương ra khơi để tìm kiếm tàu 073 cùng các ngư dân, cũng may là các ngư dân này đều sống sót trở về”, ông Lợi xúc động nói.

Tiếng ốc u giữa biển cũng chính là vật bất ly thân của ông Thạnh mỗi lần đi biển. Rất trùng hợp, ông kể, đời ông đón hàng chục cái Tết Độc lập trên biển. Cứ đến ngày đó, ông là thuyền trưởng, mang ốc u thổi một hồi dài. “Những tàu ở gần nhau, nghe tiếng, cùng quây lại. Anh em làm một bữa rượu”.

Anh Lê Dũng (tàu ĐNa 90989) kể, cờ gần như là thứ phải thay thường xuyên nhất trên tàu. “Mới mua, nhưng chỉ sau mấy chuyến biển, gió đánh tan. Cũng bởi hơi muối mặn, rồi ở giữa biển luôn có gió, bay phần phật cả ngày lẫn đêm”.

Ông Nguyễn Văn Còn B cho hay, chuyến biển qua Quốc khánh lần này, hầu như tất cả tàu đều thay cờ mới. Sau màn “nghỉ tay chào cờ” như thông lệ mấy chục năm qua là một bữa cơm tươm tất hơn thường nhật.

MỚI - NÓNG