Quốc hội họp tập trung để kiện toàn nhân sự, biểu quyết các nội dung kỳ họp

TPO - Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội vì hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp.

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi Chính phủ có đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã bố trí vào dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp một số nội dung.

Quốc hội họp tập trung để kiện toàn nhân sự, biểu quyết các nội dung kỳ họp ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp.

Trưa 13/5, phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 23, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ hoàn thành 17 nội dung dự kiến mà còn giải quyết thêm hai nội dung bổ sung. Đến nay, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, để có thẩm tra chính thức. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội rà soát để thẩm tra chính thức các nội dung, bảo đảm hoàn thiện hồ sơ tài liệu để gửi các đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về giảm thuế giá trị gia tăng; việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Về ba dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Hồ sơ tài liệu cơ bản đảm bảo, đủ điều kiện để trình Quốc hội. Nội dung này đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị, trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Qua nghiên cứu các ý kiến, căn cứ tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến bố trí tăng thời gian trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 20 phút lên 25 phút.

Trước ý kiến đề xuất, Tổng Thư ký Quốc hội không đồng tình với đề nghị giảm thời gian chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày mà giữ nguyên như thông lệ tại các kỳ họp trước.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc tổ chức kỳ họp thành hai đợt có sự đổi mới, đột phá, nhưng đề nghị cân nhắc kỹ, nghiên cứu bố trí phương án hậu cần cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian giữa hai kỳ họp hoặc nghiên cứu bố trí Quốc hội họp một đợt bằng hình thức trực tuyến và một đợt bằng hình thức tập trung.

Lý giải, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc bố trí kỳ họp thành hai đợt, trong đó ấn định thời gian của đợt một (kết thúc ngày 10/6) để cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trong khoảng một tuần nghỉ giữa hai đợt; đồng thời, cũng tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.

Lý do Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, ông Cường cho biết, hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời là để bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp. Về công tác nhân sự, dự kiến nội dung chương trình, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Kỳ họp thứ 5 sẽ họp riêng về nội dung này.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày; khai mạc vào ngày 22/5/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội và tiến hành theo 2 đợt: Đợt một diễn ra trong 17 ngày ( 22/5-10/6/2023) và đợt hai là 5 ngày (từ 19/6- 23/6/2023).
Tin liên quan