Chiều 19/7, tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội (QH) cho rằng, với việc ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu QH, trong thời gian tới, khi sửa luật Bầu cử cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn để không xảy ra những vụ việc tương tự.
Sửa nghi thức tuyên thệ
Theo ông Lê Minh Thông, Phó Tổng Thư ký QH, kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIV có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của QH trong cả nhiệm kỳ. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/7 tại Nhà QH, dự kiến làm việc trong 8 ngày. “Tại kỳ họp này, QH sẽ tập trung phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Bên cạnh đó, QH sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác”, ông Thông nói.
Theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIV sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ kiện toàn bộ máy nhà nước, bầu Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, các ủy viên Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các Ủy ban của QH, bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn các phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ...
Về lễ tuyên thệ của các chức danh như Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cơ bản giữ nguyên như tại Kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII. Tuy nhiên, cũng có một vài điểm mới để đảm bảo tính trang nghiêm, như trong thời khắc tuyên thệ sẽ mời các đại biểu đứng dậy, khi đứng lên không quay phim chụp ảnh. Khi các chức danh ra mắt sẽ không tặng hoa.
Những ĐBQH là doanh nhân sai phạm chỉ là ngẫu nhiên
Đề cập đến việc không công nhận tư cách đại biểu (ĐB) QH đối với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây là sự việc hết sức đáng tiếc khi vừa mới công bố kết quả 496 người trúng cử lại phải không công nhận hai người vì có những vi phạm. “Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh thì Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận vi phạm. Ông Thanh đã bộc lộ nhiều vấn đề, không đảm bảo tiêu chuẩn ĐBQH, trong các văn bản đã rõ rồi”, ông Phúc nói.
Về trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Phúc cho rằng, bà Hường là doanh nhân thành đạt, đã từng là ĐBQH khóa XII, XIII, khóa XIV thì trúng cử ở đơn vị bầu cử số 5 thành phố Hà Nội. “Do bà Hường vi phạm về Luật Quốc tịch nên không đủ tiêu chuẩn ĐBQH. Vừa qua, phiên họp thứ 8 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã không xác nhận tư cách ĐBQH với bà Hường”, ông Phúc nói.
Thông tin thêm, ông Phúc cho biết, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là do có đơn thư tố cáo, qua thông tin trên báo chí và người dân Hậu Giang, còn việc của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không phải do đơn thư tố cáo mà do cơ quan chức năng, thành viên Hội đồng bầu cử Quốc gia phát hiện. “Trong thời gian tới, khi sửa Luật Bầu cử cũng cần có chế tài chặt chẽ hơn nữa”, ông Phúc nói.
Về những băn khoăn liên quan đến chất lượng đại biểu là doanh nhân, ông Phúc cho rằng, đây là các trường hợp ngẫu nhiên. Theo ông Phúc, QH khóa XIII rơi vào trường hợp 2 doanh nhân đều là nữ, khóa XIV vừa có bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường lọt vào danh sách thì đã bị loại. Ông Trịnh Xuân Thanh xuất thân cũng là doanh nhân.
“QH của dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, phải đầy đủ các thành phần, các đại biểu đều qua các khâu lựa chọn, hiệp thương, bầu cử và trúng cử. Các đại biểu phải xác nhận là đại biểu của dân, phải trung thực với chính bản thân mình. Vào QH để tránh nọ tránh kia là không phải, mà vào là để phấn đấu vì nhân dân, đã có sai phạm thì trước sau đều phát hiện và xem xét. Vừa qua rất đáng tiếc xảy ra các trường hợp nói trên”, ông Phúc nói.
Trước những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của các ĐBQH khóa XIII về sai sót ở Bộ luật Hình sự, ông Phúc cho rằng, vấn đề này thuộc trách nhiệm của QH, của các ĐBQH và sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này. Ông Phúc cũng cho biết, quy trình, thủ tục đều không có gì sai. “Thường vụ QH đã nhận trách nhiệm, sẽ đánh giá trách nhiệm cá nhân, tổ chức, xem xét công minh, không né tránh gì cả”, ông Phúc nói.