Quốc hội chất vấn 'tư lệnh ngành', xem xét vấn đề nhân sự tại kỳ họp thứ 10

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh Như Ý
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh Như Ý
TPO - Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 tiếp tục được đề nghị chia làm hai đợt họp trực tuyến và tập trung, đồng thời có tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.

Chất vấn trực tiếp trở lại

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 10 tiếp tục được đề nghị tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Trong đó, đợt 1 họp trực tuyến dự kiến 9 ngày, thảo luận 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình thông qua 3,5 ngày; chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày. “Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị bố trí tại đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2”, ông Phúc nêu.

Sang đợt 2, họp tập trung 9 ngày để Quốc hội thảo luận các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII; thảo luận các dự án luật; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có)...

Do khoảng cách từ lúc thảo luận đến thông qua các dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước rất ngắn, Tổng thư ký đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết và sớm gửi đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu trong quá trình thảo luận ở tổ, hội trường, bảo đảm kịp hoàn thiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội sẽ nâng cấp các phần mềm phục vụ đại biểu Quốc hội để bổ sung tính năng đăng ký tranh luận, tạo thuận tiện, công khai, minh bạch.

Tổng kết kỳ họp thứ 9 vừa qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, chương trình kỳ họp được xây dựng khoa học, chặt chẽ, phù hợp với tính chất từng nội dung và từng đợt họp. Các phiên họp trực tuyến diễn ra thông suốt, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, vẫn duy trì không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi cũng như sự trang nghiêm của kỳ họp.

“Đây là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới”, ông Phúc cho hay.

Thiếu chất vấn là “thiếu lửa”

Cho ý kiến về tổ chức kỳ họp 10, đa số các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc chia kỳ họp thành 2 đợt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nên để phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào đợt 2 họp tập trung, đồng thời giảm thời gian xuống còn 2,5 ngày.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại kỳ họp, Đoàn chủ tịch điều hành linh hoạt, cương quyết, đảm bảo dân chủ công khai và không để các phiên tranh luận quá đà. Chủ tịch Quốc hội tiếp tục lưu ý, việc gửi tài liệu chậm đã trở thành “bệnh mãn tính, kinh niên”.

Bên cạnh đó, kỳ họp trước không có phần chất vấn trực tiếp, cử tri cho rằng ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của Quốc hội, của nhân dân và kỳ họp “thiếu lửa”.

Về thông tin truyền thông, bà Ngân đánh giá, kỳ họp trực tuyến, báo chí, đặc biệt báo ở trung ương đưa tin mỏng quá, ít quá, chủ yếu đưa tin diễn biến kỳ họp, thiếu bài viết phản ánh, đánh giá của cử tri, nhân dân về kỳ họp. Khi tổ chức họp trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu phỏng vấn trực tuyến với đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Thống nhất chia kỳ họp thành 2 đợt, bà Ngân đề nghị các phiên thảo luận, cho ý kiến đưa vào đợt 1 họp trực tuyến, còn vấn đề kinh tế - xã hội, chất vấn đưa vào đợt 2, họp tập trung. Về nhân sự Chính phủ trình Quốc hội, phải dành vào phiên họp trực tiếp đợt 2.

MỚI - NÓNG