Quốc đảo ở Thái Bình Dương bị kẹt giữa cạnh tranh Mỹ-Trung

0:00 / 0:00
0:00
Lính Mỹ trong một cuộc tập trận ở Palau năm 2019.
Lính Mỹ trong một cuộc tập trận ở Palau năm 2019.
TPO - Palau, đảo quốc ở Thái Bình Dương đã đáp trả cái mà họ nói là “sự bắt nạt” của Trung Quốc bằng cách mời Mỹ thiết lập các cảng, căn cứ quân sự và cơ sở chiến lược

Palau đã mời Lầu Năm Góc xây dựng các cảng, căn cứ và sân bay trên các đảo của họ ở Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc gây bất ổn đối với nền kinh tế mỏng manh của nước này, theo lời Tổng thống Surangel Whipps.

“Đánh giá thẳng thắn của Tổng thống Whipps về sức ép của Trung Quốc - và lời đón chào người Mỹ - là sự thẳng thừng hiếm thấy đối với một nhà lãnh đạo ở khu vực Thái Bình Dương”, Giám đốc Đại học An ninh Thái Bình Dương Australia Meg Keen nói trong một cuộc phỏng vấn.

Bà nói: Có một “sự cạnh tranh rủi ro cao đang diễn ra” giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Các quốc gia Thái Bình Dương có thể có dân số và diện tích nhỏ, nhưng nên được coi là 'các quốc gia đại dương lớn' có mối liên hệ mật thiết với các quốc đảo khác của châu Đại dương".

Bà nói: “Trung Quốc đang muốn đưa càng nhiều quốc gia Thái Bình Dương vào mạng lưới Vành đai và Con đường của họ càng tốt, để họ có thể tiếp cận qua Thái Bình Dương tới châu Mỹ và Nam Cực”.

Các nhà phân tích cho rằng các quốc đảo Thái Bình Dương có thể bị lợi dụng bởi một trong hai bên nếu hành động quân sự nổ ra giữa Bắc Kinh và Washington.

Khách du lịch Trung Quốc đến Palau, đảo quốc chỉ với 180 dặm vuông, nhỏ hơn cả đảo Guam của Mỹ, đạt đỉnh điểm là 87.000 trong năm 2015, chiếm một nửa tổng số khách du lịch, theo Cục Nhập cư Palau và Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương.

Nhưng Palau vẫn chưa hủy bỏ việc công nhận ngoại giao đối với Đài Loan (Trung Quốc), từ năm 1999.

Bắc Kinh, bị ảnh hưởng bởi việc này, đã ngăn lại các chuyến du lịch trọn gói béo bở của du khách Trung Quốc đến Palau từ năm 2017. Ngành du lịch của Palau lập tức lao đao.

"Đó chỉ là một ví dụ về cách Trung Quốc sử dụng việc chi tiêu như một loại mồi nhử", tổng thống Whipps nói hồi tháng trước, theo AT.

Sinh ra ở Baltimore, ông Whipps từ bỏ quốc tịch Mỹ, trở thành thượng nghị sĩ Palau và vào tháng 1 năm 2021, trở thành tổng thống.

Trong số 15 quốc gia công nhận Đài Loan, các đảo khác ở Thái Bình Dương làm như vậy là Quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu.

Năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Mark Esper và Bộ trưởng Hải quân khi đó là Kenneth Braithwaite đã đến thăm Palau.

“Yêu cầu của Palau đối với quân đội Mỹ vẫn rất đơn giản: xây dựng các cơ sở sử dụng chung, sau đó đến và sử dụng chúng thường xuyên”, Tommy Remengesau, tổng thống của Palau khi đó nói với các ông Esper và Braithwaite.

Quân đội Mỹ đã sử dụng lãnh thổ của Palau trong năm 2020 để huấn luyện 200 quân - cuộc tập trận đầu tiên của Mỹ ở đó trong gần 40 năm.

Cũng trong năm 2020, “khoảng 100 lính thủy đánh bộ Mỹ và thủy thủ từ Lực lượng Đặc nhiệm Koa Moana, thuộc Lực lượng Viễn chinh Thủy quân lục chiến I, đã ở Palau,” báo Stars and Stripes đưa tin.

Palau là “một quốc gia nhỏ, có thể, nhưng họ không nhỏ khi nói đến tỷ lệ nhập ngũ trong quân đội Mỹ,” Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Á, Heino Klinck, nói.

Ông nói: Ít nhất sáu người Palau đã chết trong quân phục Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Vị trí của Palau trên “con đường Bắc Thái Bình Dương” nối Hawaii và Guam khiến quốc gia này trở nên quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Năm 1986, Mỹ và Palau đã ký Hiệp định Hiệp hội Tự do (COFA) cho phép Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về quốc phòng của Palau.

MỚI - NÓNG