Những quả trứng mong manh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhóm cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang dự thảo kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, bao gồm thiết lập khu phi quân sự dài gần 1.300 km giữa hai nước, Ukraine cam kết không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm để đổi lấy việc Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí. Kế hoạch này có thể chấm dứt giao tranh ngay lập tức, Nga có khả năng hưởng lợi nhiều nhất về mặt chiến lược.

Với kế hoạch này, Mỹ có thể giảm sự can thiệp trực tiếp vào xung đột, tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí viện trợ, hỗ trợ quân sự (trong khi hưởng lợi ích kinh tế từ việc cung cấp cấp vũ khí cho Ukraine), đồng thời ổn định quan hệ với Nga. Việc giảm trọng tâm vào chiến tranh có thể cho phép Chính phủ Mỹ tập trung vào các vấn đề trong nước và quản lý lợi ích toàn cầu tại các khu vực khác, bao gồm châu Á. Việc có lực lượng châu Âu trong vùng phi quân sự sẽ đẩy nhiều trách nhiệm hơn cho châu Âu gánh vác, cho phép Mỹ đóng vai trò hỗ trợ hơn là diễn viên chính trong an ninh khu vực.

Tuy nhiên, Mỹ có thể đối mặt 3 bất lợi chính là bị giảm ảnh hưởng ở Đông Âu và trong NATO; dẫn tới căng thẳng quan hệ liên minh và giảm lòng tin vào Mỹ như một đối tác an ninh; làm suy yếu hình ảnh của Mỹ như một người bảo vệ chủ quyền và dân chủ.

Trong khi đó, 3 lợi ích chính của Nga sẽ bao gồm giành được lãnh thổ (hợp thức hóa và thể chế hóa được các phần lãnh thổ mà nước này kiểm soát từ năm 2014); giảm áp lực trừng phạt (giúp nền kinh tế Nga phục hồi); và đảm bảo an ninh (nỗi lo NATO mở rộng gần biên giới sẽ giảm bớt). Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự và ngoại giao của Mỹ tại Ukraine (dù gián tiếp) vẫn có thể là mối đe dọa tiềm ẩn, đặc biệt khi sự hỗ trợ vũ khí của phương Tây với Ukraine tiếp tục. Nga có thể vẫn phải đối mặt sự cô lập hoặc các biện pháp trừng phạt.

Với Ukraine, kế hoạch của chính quyền Trump có thể ngay lập tức chấm dứt xung đột, cho phép Ukraine tái thiết nền kinh tế và tập trung vào phục hồi hậu chiến. Một vùng phi quân sự được giám sát bởi lực lượng châu Âu có thể mang lại mức độ an ninh nhất định, đồng thời cho Ukraine thời gian củng cố nội bộ. Dù phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, Ukraine vẫn duy trì được vị thế phòng thủ, thậm chí mạnh mẽ hơn do được Mỹ đều đặn, liên tục “bơm” vũ khí. Điểm bất lợi chính là bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ và thỏa hiệp nào cũng có thể dẫn đến sự bất mãn đáng kể trong nội bộ hoặc gây bất ổn, có thể làm suy yếu chính phủ, thậm chí gây xáo trộn chính trị hoặc biểu tình.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng lưu ý là trong 3 năm xung đột vừa qua, không thấy đông đảo người dân Ukraine xuống đường biểu tình chống Nga quyết liệt (nếu có, truyền thông Ukraine và phương Tây đã đưa tin rầm rộ). Điều này phần nào thể hiện suy nghĩ “chúng ta từng là anh em” và “mong thời gian qua mau”, “nỗi buồn chiến tranh thành quá khứ” của một bộ phận người dân Ukraine. Như nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa (mang hàm đại tá trước khi rời quân ngũ) viết trong thư gửi nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, “đối mặt với chiến tranh, chúng ta hết thảy đều như những quả trứng mong manh”.

MỚI - NÓNG