Quanh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm gì để xóa bỏ manh mún, nhỏ lẻ?

TP - Thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho người nông dân trở thành điểm yếu nhất trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô hơn là cần thiết, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tích tụ ở mức độ nào để vừa hiệu quả, bền vững và không xáo trộn, vừa tránh việc ruộng đất tập trung vào tay các “chúa đất” mới…

Điểm yếu

Giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân cho rằng, người nông dân canh tác xưa nay quen “tự do”, muốn trồng, muốn chặt tùy thích, không có ai tổ chức, chính điều này đã kéo dài cái nghèo của bà con. Nhược điểm của người nông dân, thậm chí cả doanh nghiệp (DN) là không biết rõ nhu cầu của thị trường cần gì.

Liên kết - “bài học” từ mô hình Cánh đồng lớn

Mô hình Cánh đồng lớn được kỳ vọng là mô hình tối ưu cho sự liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) trong phát triển ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, sau mấy năm đầu gia tăng diện tích, những năm gần đây mô hình này chỉ cầm chừng và “teo” dần. Tư duy “thương vụ” và “mùa vụ” của những người trong cuộc đã khiến mối liên kết này thiếu bền vững.

Theo GS Xuân, cơ quan nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ NN&PTNT có thể nắm được thông qua thương vụ ở các nước để thông tin về nhu cầu, tập quán họ dùng sản phẩm nông sản như thế nào, từ đó đánh giá viễn cảnh nước ngoài cần những hàng gì, có thể sản xuất ở vùng sinh thái nào... Từ đó, có trao đổi, tạo điều kiện cho DN tìm hiểu thêm, ký kết hợp đồng, sau đó về tổ chức sản xuất.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải huấn luyện cho nông dân, nhà khoa học thì cung cấp kỹ thuật để nông dân sản xuất thành một vùng nguyên liệu rộng lớn, giúp DN có đủ hàng hóa chế biến ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng” - GS Xuân nói.

Quanh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm gì để xóa bỏ manh mún, nhỏ lẻ? ảnh 1

Làm gì để xóa bỏ manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp vẫn là băn khoăn lớn của nhiều cấp, ngành. Ảnh: PV

Theo ông Võ Hùng Dũng - nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một hệ thống kết nối các phân khúc từ cung cấp đầu vào, trồng trọt, chế biến, phân phối và tiêu thụ cuối cùng. Các tác nhân tham gia gồm nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, các công ty cung ứng, công ty xuất khẩu, mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Tham gia vào chuỗi còn có các ngành có liên quan, các dịch vụ, hạ tầng và thể chế hỗ trợ.

“Bộ NN&PTNT cũng sẽ tổ chức các lớp nâng cao năng lực, kỹ năng và kiến thức cho nông dân, chứ không giúp bằng giống, bởi chỉ có nông dân thay đổi, thì nông nghiệp mới thay đổi. Khi đó, người nông dân mới sống được với nông nghiệp, nông thôn”

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Trong đó, điểm yếu nhất trong chuỗi là những người nông dân. Đó là một tập hợp rời rạc của hàng triệu nông hộ sản xuất trên mảnh ruộng của mình, mỗi người có hành vi ứng xử khác nhau. Do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên nông dân trở thành nhóm sản xuất rất dễ bị tổn thương…

Cần cơ chế thoáng nhưng phải thận trọng

Ông Lê Văn Nưng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, điểm yếu của các tỉnh ĐBSCL, bên cạnh hạn chế về năng lực quản trị DN là thiếu cơ chế kích thích cơ sở sản xuất thành lập DN nên số lượng DN thành lập mới hạn chế.

Quanh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm gì để xóa bỏ manh mún, nhỏ lẻ? ảnh 2

Nông dân ở ĐBSCL phơi lúa

Thực tế có những cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn lớn hơn và đóng thuế nhiều hơn cả DN nhưng họ lại không thành lập DN. Trong khi đó, có những DN cần mở rộng quy mô sản xuất nhưng lại thiếu quỹ đất… Đó là những bất cập trong cơ chế. Để kích thích sản xuất kinh doanh, cần có cơ chế thoáng hơn, tạo điều kiện nhanh để các cơ sở sản xuất kinh doanh có động lực tiến lên DN, nhà nước nên phân cấp mạnh hơn cho địa phương.

Theo ông Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư), cần thiết phải đổi mới tư duy, từ bỏ sản xuất, canh tác chạy theo số lượng, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong đó, tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng phải bảo vệ quyền sử dụng lâu dài, hợp pháp của nông dân, tránh ruộng đất tập trung vào các chủ đất mới ở nông thôn, quyền sử dụng đất phải được biến thành quyền tài sản.

Tương tự, ông Võ Hùng Dũng cho rằng, tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng làm phải thận trọng và có thời gian, không nên vội vàng bởi có thể gây ra xáo trộn. Tích tụ ở một mức độ vừa phải để cho nông dân đủ khả năng họ đi lên thì nên làm, còn gom nhiều quá một lúc có thể gây ra hiện tượng đầu cơ đất.

“Việc tích tụ, tập trung đất đai vào trong tay một ít người sẽ khiến nhiều người không còn đất canh tác. Đây không chỉ là sự thay đổi lớn về sản xuất mà còn kéo theo cả đời sống văn hóa ở vùng làm nông nghiệp, vùng nông thôn. Chính sách về đất đai, mô hình cho nông nghiệp nên đi từ thực tế của hàng ngàn, hàng vạn nông dân mà giúp đỡ để họ có được kiến thức để ứng dụng, để thay đổi, phát triển. Đi theo hướng này có thể là chậm nhưng bền mà ít xáo trộn” - ông Dũng nhận định.

Với quy mô đất nông nghiệp, số nông hộ ở ĐBSCL, thị trường đất đai được khai thông sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng đưa vào đầu tư, kinh doanh, tạo nguồn lực mới cho kinh tế của vùng. Tuy nhiên, để thay đổi giá đất có lợi cho nông dân, có lợi cho nền kinh tế thì cơ sở cho sự thay đổi phải là hạ tầng giao thông phát triển, rồi chất lượng của các quy hoạch, về điểm này ĐBSCL đang rất yếu, nhưng nó lại là nguồn lực tiềm năng.

Kỳ vọng từ quy hoạch tích hợp

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (đồng chủ biên Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2022) cho biết, hơn 3 thập kỷ qua, chúng ta đang duy trì mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng.

Nền nông nghiệp của ĐBSCL chậm được hiện đại hóa. Đầu tiên là vì dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, đây là một rào cản cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Thứ hai, nguồn lực đất đai chưa được phân bổ một cách hiệu quả, trong đó khoảng một nửa diện tích vẫn độc canh cây lúa…

Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội của ĐBSCL. Những hoạt động sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và manh mún sẽ được giảm thiểu và thay bằng các hoạt động chuyên môn hóa theo định hướng thị trường hóa, công nghiệp hóa và dịch vụ hóa nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Một doanh nhân nước ngoài đã từng chia sẻ với tôi, nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta - ĐBSCL”.

Theo ông Hoan, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn là “lời nguyền” về sự yếu kém của nền nông nghiệp, nên phải tổ chức lại sản xuất để vượt qua lời nguyền đó. Trong chiến lược phát triển sắp tới, Bộ NN&PTNT xoay quanh ba vấn đề: Hợp tác (giữa những người sản xuất với nhau thông qua HTX, tổ hợp tác và liên hiệp HTX); Liên kết (giữa HTX với DN); Thị trường (lấy thị trường để điều chỉnh kinh doanh sản xuất, chứ không phải sản xuất điều chỉnh thị trường).

Tin liên quan