Là một trong những địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian qua, Quảng Ninh có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, có sự phát triển của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ. Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh đạt 35.000 lao động.
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, UBND tỉnh đã thành lập các Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Tổ Investor Care) để nắm bắt khó khăn, tháo gỡ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ dự án cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển theo hướng “linh hoạt, đổi mới”, tiếp tục hoàn thiện các đề án xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ưu đãi về thuế, đất đai.
Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ với các địa phương trong vùng. Song song với đó là bảo đảm mặt bằng sản xuất phục vụ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng bền vững.
"Mới đây, Sở đã phối hợp điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong quy hoạch tỉnh. Hiện, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm 9 dự án sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến, chế tạo trong quý III/2022", đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh cho hay.