Quảng Ngãi: Làng rèn hơn 3 thế kỷ 'rực lửa' giữa ngày hè đổ lửa
TPO - Trải qua hơn 3 thế kỷ, đến nay làng rèn Minh Khánh (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn liên tục đỏ lửa, tiếng búa chan chát, tiếng mài, tiếng dập… vang lên liên hồi. Những người thợ ở làng rèn vẫn miệt mài từ sáng sớm đến đêm muộn bên lò than rực lửa.
Làng rèn Minh Khánh (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trải qua hơn 300 năm tồn tại cùng những thăng trầm lịch sử, với đôi bàn tay, khối óc cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây, làng rèn đến nay vẫn đỏ lửa.
Theo các bậc cao niên, không ai biết chính xác làng rèn nơi đây có từ bao giờ, họ chỉ biết cụ tổ nghề có gốc gác phía Bắc và có tên là Đinh Khắc Nhơn. Hơn 3 thế kỷ trước, cụ tổ cùng gia đình di cư vào Nam và chọn mảnh đất sát bên bờ sông Trà để khai hoang, lập nghề, lập làng. Kể từ đó, những lò rèn luôn đỏ lửa trên mảnh đất này.
Ông Nguyễn Hữu Lý (51 tuổi, trú ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh) cho biết, những người thợ trong làng không ai nắm rõ nghề rèn ở đây có từ khi nào, chỉ biết rằng nghề đã tồn tại đã hàng trăm năm, được con cháu kế nghiệp cho đến tận bây giờ.
“Tôi là đời thứ 5 trong gia đình có truyền thống làm nghề rèn. Đây là nghề cha truyền con nối. Tôi kế thừa từ ba tôi, ba tôi kế thừa từ ông nội... Cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, tính ra đã hơn 300 năm đỏ lửa”, ông Lý nói.
Dưới cái nắng như thiêu đốt của miền Trung, tiếng búa chan chát, kèm theo tiếng mài, tiếng dập... vang lên liên hồi, những người thợ ở làng rèn Minh Khánh vẫn miệt mài mưu sinh bên bếp than rực lửa.
Theo các thợ rèn, nghề rèn là nghề vất vả, đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự bền bỉ và sức lực… chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm của khói. Ngoài ra, việc nung sắt rồi máy dập cho nhẵn, mài, đóng cán… mỗi khâu đều yêu cầu sự khéo léo rất cao của người thợ. Cao hơn nữa là phải biết “căn” nhiệt độ nhằm xác định thời gian tôi trong bễ là bao lâu để đưa ra sản phẩm đạt chất lượng.
Ông Lương Kim Hải (trú ở thôn Minh Khánh) cho hay, trước đây để làm ra thành phẩm là dao, rựa, liềm, cuốc... dùng trong sinh hoạt và sản xuất, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi rất nhiều công sức. Tuy nhiên, từ khi có điện và máy móc hiện đại, nghề rèn cũng đỡ vất vả, thời gian hoàn thành một số công đoạn được rút ngắn hơn.
Nguyên liệu để rèn thành dao, rựa, cuốc, xẻng nói chung là “mì” (các cây sắt hình chữ Y, cỡ 16-18mm). Sắt được cắt ra thành khúc rồi cán dẹp, gọi là “dóc”, trải qua nhiều công đoạn mới ra thành phẩm để sử dụng. Trung bình mỗi ngày người thợ có thể làm ra được 30-35 chiếc dao, rựa, bán ra cũng được 500.000 đồng/ngày.
Ông Nhan Quy (68 tuổi, trú ở thôn Minh Khánh) bộc bạch, so với 20 năm trước, thì nghề rèn không còn được như xưa. Nhu cầu khách hàng ngày càng giảm, thợ rèn chỉ có thể sản xuất cầm chừng. Dẫu vậy, gia đình ông vẫn cố gắng bám trụ để giữ lại nghề xưa. “Chắc hết đời tôi thì bếp than cũng tắt luôn. Giờ con cái lớn đi làm công ty cả, gia đình cũng chẳng còn ai nối dõi nghề truyền thống…”, ông Quy buồn bã nói.
Tiếp xúc với nhiệt độ cao và dùng lực nhiều nên đôi bàn tay của những người thợ rèn lâu năm bị chai sần, thô cứng.
Mỗi năm làng rèn Minh Khánh (xã Tịnh Minh) sản xuất ra khoảng hơn 200.000 sản phẩm, chủ yếu là rựa, liềm, dao, xẻng, cuốc, búa.... các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
Hiện, làng rèn Minh Khánh (xã Tịnh Minh) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh Quảng Ngãi công nhận đây là làng nghề truyền thống. Sản phẩm từ làng nghề cũng đạt OCOP 3 sao.