Phiên chất vấn và trả lời chất vấn HĐND tỉnh Quảng Nam chiều 8/12 trao đổi nhiều vấn đề "nóng". |
Chiều 8/12, kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 -2026 bước sang phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề nóng được các đại biểu nêu, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm, thực trạng quản lý hàng giả, hàng nhái tràn lan dịp Tết.
Chất vấn Giám đốc Sở Công Thương, đại biểu Đặng Thị Lệ Thủy nêu câu hỏi hiện nay tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang được bày bán tràn lan, phức tạp nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Vậy giải pháp căn cơ trong công tác quản lý, xử lý tình trạng này như thế nào?
Các đại biểu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. |
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối trong cả nước. Riêng Quảng Nam có bờ biển dài, biên giới dài nên việc xâm nhập càng thuận lợi. Sở phối hợp với các ngành chức năng triển khai các giải pháp như xây dựng và nhân rộng mô hình chợ an toàn. Đồng thời tăng cường mật độ thanh tra, kiểm tra để xử lý khi phát hiện vi phạm. Tới đây sẽ thành lập trở lại Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam đăng đàn trả lời chất vấn. |
Vấn đề xử lý an toàn thực phẩm đến nay vẫn còn những hạn chế. Việc thiếu phương tiện hỗ trợ gây khó khăn, việc xử lý chưa kịp thời, có khi lấy mẫu thực phẩm mang về kiểm tra có kết quả "thì họ đi mất rồi". Do đó việc xử lý an toàn thực phẩm không kịp thời và mang tính răn đe.
Đại biểu Đinh Nguyên Vũ đặt vấn đề làm thế nào để người dân phát hiện hàng giả, đánh giá hàng kém chất lượng. Cử tri, người dân dùng hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng không biết đó là hàng giả mà hậu quả thì "lãnh đủ". Trong khi đó, các biện pháp xử lý đối với hàng giả hàng kém chất lượng hiện nay chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính là chưa hiệu quả.
"Thực tế, việc buôn bán hàng giả có lợi nhuận lớn, do đó nếu chỉ phạt tiền chưa phải là biện pháp hiệu quả, ngăn chặn được mà cần có biện pháp nghiêm khắc hơn" , ông Vũ kiến nghị.
Đại biểu Đặng Tấn Phương (Phó Ban dân tộc HĐND tỉnh) cho rằng, thương mại điện tử tạo ra những thuận lợi nhưng cũng có những bất cập, nhiều người dân mua bán hàng online đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, người tiêu dùng gánh chịu hậu quả và ảnh hưởng quyền lợi. Ông Phương đặt câu hỏi về giải pháp để vừa quản lý người bán hàng vừa bảo vệ người tiêu dùng?
Ông Đặng Bá Dự cho rằng, vấn đề này ngoài Sở Công Thương, cần những biện pháp phối hợp chặt chẽ từ phía sở ngành chuyên môn khác, đặc biệt là Sở TT&TT.
Ngoài ra, các giải pháp đang được triển khai đó là tăng cường giới thiệu sản phẩm trên trang chính thống. Người tiêu dùng nên mua ở những địa chỉ tin cậy. Đối với lực lượng chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát; Sở cũng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng tần suất kiểm tra để phát hiện, xử lý vi phạm.
“Thực tiễn phát triển phức tạp tuy nhiên chúng ta nhưng chưa có những công cụ, chế tài. Cần cùng nhau xây dựng văn hoá tiêu dùng thông minh để hạn chế những rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng”, ông Dự nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu Sở Công Thương cùng với các Sở ban ngành chức năng có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, cùng với quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát để phát hiện và xử lý vi phạm. Cùng với đó, tăng cường thông tin đến người dân, bảo vệ người tiêu dùng. Người dân cũng phải cảnh giác, không nghe và tin tất cả những thông tin quảng cáo, đặc biệt thông tin mua bán trên mạng xã hội. Trách nhiệm của cơ quan chức năng thông tin cho bà con, có thể cử người chuyên “săn” thông tin về hàng giả và khuyến cáo bà con…