Ngày 28/11, Hội đồng nhân dân TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TPHCM.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM nhìn nhận, công tác an toàn thông tin đối với các hoạt động quảng cáo ngoài trời (đặc biệt là trên màn hình LED) chưa được quan tâm đúng mức do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, sự chủ quan của đội ngũ thực hiện ở các sở, ban ngành và thiếu nguồn nhân lực quản lý ở cả các sở ngành lẫn các địa phương.
Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng trao đổi tại phiên họp (ảnh: Ngô Tùng). |
Ông Thắng cho biết, pháp luật về quảng cáo hiện nay không quy định cụ thể nội dung quảng cáo trên các màn hình LED và các màn hình LCD bên cạnh tòa nhà.
Để khắc phục các hạn chế trong hoạt động quảng cáo, Sở TT&TT tiếp tục kiến nghị với Bộ TT&TT để có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thống nhất giao về một đầu mối quản lý toàn diện hoạt động này.
Theo Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, quảng cáo trên internet có nhiều nhóm nội dung, trong đó có 2 nhóm gây bức xúc và được quan tâm nhiều nhất là quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới và quảng cáo trên báo điện tử và các trang thông tin điện tử tổng hợp. Trong đó, quảng cáo trên các nền tảng MXH xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok ngày càng phổ biến và rất phức tạp, có nhiều thông tin sai sự thật, cạnh tranh không lành mạnh và sai quy định pháp luật.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết, hiện nay pháp luật không quy định phải cấp phép cho dịch vụ quảng cáo của các mạng internet, MXH, mà đơn vị đó phải tự chịu trách nhiệm đối với nội dung quảng cáo của mình.
Trong khi đó, Thông tư của các bộ ngành liên quan đến việc quản lý trên mạng xã hội, mạng internet đều đã hết hiệu lực, đến giờ vẫn chưa có thông tư mới thay thế.
Bộ TT&TT đã ban hành Nghị định 70, trong đó có quản lý nội dung quảng cáo trên các nền tảng MXH xuyên biên giới và đã ban hành năm 2021. Tuy nhiên, theo ông Lâm Đình Thắng, nghị định này cũng chỉ tập trung quản lý các MXH xuyên biên giới, còn vấn đề quảng cáo trên các MXH của Việt Nam thì vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định nào chi phối.
Những khó khăn về pháp lý này cũng làm phát sinh các hiện tượng không lành mạnh trên các nền tảng MXH xuyên biên giới.
"Với nghị định này, Bộ cũng đã có công cụ, hành lang pháp lý để thanh tra các nền tảng MXH xuyên biên giới, giờ có điều này rồi, Bộ sẽ thanh tra để tăng cường quản lý nhiều nội dung, trong đó có nội dung quảng cáo trên các nền tảng MXH xuyên biên giới", Giám đốc Sở TT&TT TPHCM nhấn mạnh.
Kiểm soát nguồn thu quảng cáo
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM đánh giá khó có địa phương nào có giá trị tạo ra từ quảng cáo lớn như TPHCM, khi hoạt động quảng cáo ngoài trời đóng góp rất lớn vào sự phát triển của thành phố. “Vì vậy, tôi mong muốn thành phố có đề án quảng cáo góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, đồng thời hỗ trợ thành phố khai thác giá trị sinh ra từ hoạt động này”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Tại phiên họp, đại biểu HĐND TPHCM đề xuất nhiều vấn đề cần quản lý, kiểm soát hoạt động quảng cáo ngoài trời. |
Đại biểu Tăng Hữu Phong cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong quảng cáo không chỉ dừng lại ở kiểm tra giám sát, mà còn xem xét hoạt động này đem lại lợi ích, nguồn thu cho thành phố như thế nào.
"Các sở, ban ngành cần thống kê năm 2020 - 2021 thành phố thu được bao nhiều từ hoạt động quản lý quảng cáo, nguồn này chiếm bao nhiêu trong tổng thu ngân sách và liệu nguồn thu đó đã được quản lý hết chưa, có sót lọt hay không”, ông Phong đặt vấn đề.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh đến nhiệm vụ thống kê, rà soát, xử lý các công trình quảng cáo không đúng quy định và nghiêm túc chấn chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Lệ khẳng định, việc quan trọng hiện nay là ban hành quy chế phối hợp trong hoạt động quảng cáo để kiểm soát việc cấp phép, hậu kiểm, xử lý vi phạm...
"Việc này phải hoàn thành trong quý I năm sau, tránh việc quản lý nhà nước theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, bà Lệ lưu ý.
Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị sớm xây dựng đề án khai thác nguồn thu từ quảng cáo, ban hành quy định thu phí quảng cáo hành lang đường bộ, đảm bảo công khai minh bạch.
Xử phạt hơn 22 tỷ đồng sai phạm trong quảng cáo
Trong hơn 1.500 bảng quảng cáo ngoài trời tại TPHCM có 49% điểm không phép, chủ yếu ở các vòng xoay, chân cầu vượt, tuyến đường lớn của các quận trung tâm.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, TPHCM có hơn 1.500 bảng quảng cáo ngoài trời, trong đó có 747 vị trí không phép. Đặc biệt, nhiều trụ pano được địa phương, ngành chức năng cho phép thực hiện nội dung cổ động chính trị nhưng sau đó biến tướng sang quảng cáo không phép.
Tính từ năm 2012 đến 2022, Thanh tra Sở VH&TT đã xử phạt hơn 2.100 trường hợp vi phạm quảng cáo ngoài trời với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến như không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết tiếng nước ngoài trên biển hiệu; không thực hiện thủ tục thông báo hoặc thông báo không đúng nội dung quảng cáo thực tế; treo, dựng bảng quảng cáo không đúng nơi đã quy hoạch; không có giấy phép xây dựng bảng quảng cáo; không đảm bảo an toàn cháy nổ, thoát hiểm...